Nâng cao năng lực đội ngũ qua Hội thi Giáo viên giỏi

GD&TĐ - Trong những ngày đầu xuân Ất Mùi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tưng bừng tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp thành phố năm học 2014 - 2015. 

Nâng cao năng lực đội ngũ qua Hội thi Giáo viên giỏi

Mục tiêu hướng đến của Hội thi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, là nơi mà các thầy cô thể hiện sự sáng tạo, niềm tâm huyết với nghề mà mình hằng gắn bó.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp chính là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hội thi là cơ hội để các thầy giáo, cô giáo, được sáng tạo, được thể hiện tài năng sư phạm cùng với trình độ chuyên môn và lòng nhiệt huyết với nghề dạy học. Đối với ngành Giáo dục Thủ đô, Hội thi Giáo viên dạy giỏi thực sự trở thành ngày hội hoạt động chuyên môn, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai hướng dẫn cụ thể quy trình, hình thức tổ chức Hội thi.

Từ tháng 11/2014 - 1/2015 các đơn vị quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo và tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi trong tất cả các trường tiểu học ở 30 quận, huyện, thị xã với hình thức tổ chức phong phú. Các giáo viên được tham gia dự thi ở các bộ môn văn hoá cơ bản và các môn chuyên biệt từ lớp 1 - 5.

Số lượng các GV tham gia dự thi cấp trường có 16.795/tổng số 22.000 giáo viên, chiếm hơn 76%. Cấp quận, huyện có 1.568 GV trong đó có 1.481 GV xếp loại giỏi chiếm 94,5% không có giờ dạy không đạt yêu cầu. Với hình thức tổ chức ở cơ sở như vậy, hầu hết giáo viên trong các nhà trường được tham gia vào các khâu trong quy trình của Hội thi (giáo viên dạy thi, hoặc tham gia dự giờ, góp ý kiến xây dựng cho bài dạy, đúc rút kinh nghiệm trong sinh hoạt tổ, khối chuyên môn). Từ đó, đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao năng lực sư phạm, kĩ năng chuyên môn và chất lượng giảng dạy của giáo viên trong các nhà trường.

Cơ hội cho giáo viên giao lưu học hỏi

Hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp thành phố năm học 2014 - 2015 của ngành GD&ĐT Hà Nội được tổ chức một cách khoa học và toàn diện trên lĩnh vực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Mỗi giáo viên sẽ tham gia 3 phần thi: Phần thi trắc nghiệm gồm 10 câu: Trong đó 5 câu hiểu biết về Luật Giáo dục, Điều lệ trường tiểu học, các qui định của ngành - cấp học, xử lí tình huống sư phạm trong quá trình dạy học và 5 câu về kiến thức, kĩ năng giảng dạy các môn học.

Phần 2 các GV thực hiện hai tiết dạy theo phân phối chương trình của tuần dự thi, 1 tiết dạy theo kết quả rút thăm và 1 tiết dạy do giáo viên dự thi tự chọn. Ở phần thi thứ 3: Yêu cầu các giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm viết trong năm học 2014 - 2015 hoặc có ít nhất 1 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp thành phố trong 4 năm gần nhất. Hội thi được tổ chức tại 10 cụm thi, mỗi cụm 3 đơn vị. Tổng số tiết dạy thi gồm 182 tiết trong đó có 120 tiết dạy của 4 môn văn hoá cơ bản, 62 tiết dạy của môn Âm nhạc, Thể dục.

Là một trong những GV đến với Hội thi, cô giáo Trịnh Thị Hương đã chia sẻ tâm sự của mình: Cô rất vui và phấn khởi khi được tham gia ngày hội này. Hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học chính là một sân chơi bổ ích, là cơ hội để các GV được trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời là nơi để các thầy cô thể hiện năng lực, cũng như học tập thêm những kiến thức của các đồng nghiệp xung quanh.

Đại diện cho Ban giám khảo tại Hội thi GV giỏi tiểu học cấp thành phố, bà Phan Phương Dung cho biết: “Tiêu chí của Hội thi năm nay chú trọng tới việc phát huy sự sáng tạo trong giờ dạy. Đích đến của mỗi giờ dạy là: Mỗi giáo viên cần thể hiện tiết dạy của mình sinh động, hiệu quả, tạo được niềm hứng thú trong học sinh”.

Qua Hội thi, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã chọn lựa được 91 giáo viên (trong đó 60 giáo viên cơ bản, 16 giáo viên Âm nhạc, 15 giáo viên Thể dục) tiêu biểu cho trên 20.000 giáo viên tiểu học đi dự Hội thi cấp thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.