Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 8/6/2017 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành soạn thảo, trình Chính phủ và để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Ngày 15/6/2018, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 64/2018/QH14 về kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, theo đó Quốc hội nhất trí mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngay sau kỳ họp thứ 5, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn, rà soát các nội dung của Luật Giáo dục để sửa đổi một cách toàn diện.

Việc xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với những nội dung khác.

Ngày 16/8/2018, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 2165/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 26, trong đó đề nghị Chính phủ chủ động tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tổng hợp ý kiến nhân dân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP giao Bộ GD&ĐT tiếp tục lấy ý kiến Nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thông qua các hình thức: qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ GD&ĐT; tổ chức các hội thảo, tọa đàm; lấy ý kiến bằng văn bản; phỏng vấn chuyên sâu với các đối tượng:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; các cơ quan quản lý giáo dục địa phương (sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT); cơ sở giáo dục, người học, ban đại diện cha mẹ học sinh; các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, luật sư, luật gia và các tầng lớp nhân dân.

Tính đến ngày 22/1/2019, Bộ GD&ĐT đã nhận được: báo cáo của 53/63 sở GD&ĐT với 812.591 ý kiến; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực, Báo cáo từ 57 công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 công đoàn giáo dục trường đại học với 353.113 người tham gia góp ý; 13 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và hội, hiệp hội; 31 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; 130 bài báo...

Trong quá trình lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo dự án Luật, Bộ GD&ĐT đã 3 lần đăng tải dự thảo lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến của tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Nhân dân, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.