Lớp học ở “suối dừng chân”

GD&TĐ - Xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) theo tiếng Thái nghĩa là “suối dừng chân”. Cô Nọi chọn nơi đây làm chốn “nghỉ ngơi” để “nuôi dưỡng” tương lai cho những đứa trẻ dân tộc…

Cô Tòng Thị Nọi hướng dẫn học sinh làm bánh chưng ngày Tết. Ảnh: NVCC
Cô Tòng Thị Nọi hướng dẫn học sinh làm bánh chưng ngày Tết. Ảnh: NVCC

Không lùi bước dù “đêm” rất dài

Xa xôi, hẻo lánh, đường đi hầu như không có, xã Nậm Tin thiếu thốn đủ bề. Thiếu điện, nước, phòng học đơn sơ… suốt bao năm, những cô giáo trẻ “cắm bản” như cô Tòng Thị Nọi nếm trải đã nhiều. Chỉ có tình yêu nghề, mến trẻ, nghị lực phi thường mới giúp các cô chiến thắng nghịch cảnh để theo đuổi ước mơ “trồng người”.

Cách trung tâm huyện Nậm Pồ gần 30 km, song để đến được Nậm Tin, chúng tôi phải đi qua hàng chục con đèo, dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Cứ tưởng cung đường chỉ dành cho cánh đàn ông, song những người chân yếu, tay mềm như cô Nọi lại chinh phục mỗi ngày.

Trường Mầm non Nậm Tin nằm lọt thỏm quanh giữa đại ngàn heo hút. Trong căn phòng công vụ chật hẹp chỉ đủ kê bộ bàn ghế nhỏ, cô Tòng Thị Nọi - Hiệu trưởng nhà trường phân trần: “Trường chúng em mới thành lập nên cơ sở vật chất còn khó khăn lắm các anh ạ! Gọi là trường nhưng chúng em ở đây mới chỉ có 4 phòng học, chưa có phòng làm việc. Nhà công vụ cho giáo viên cũng chưa có, nên tất cả đều phải tận dụng: Vừa ở, vừa làm việc”.

Chỉ nhìn vào điều kiện cơ sở vật chất nơi đây, chúng tôi thầm thán phục nghị lực sống phi thường của các cô. Sau lời giới thiệu ngắn gọn về trường, cô Nọi trải lòng, đưa chúng tôi về thời điểm 15 năm trước, khi cô mới bước chân vào nghề giáo.

Cô Nọi là con thứ 6 trong gia đình nghèo có 7 người con. Cô sinh ra tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cô đã làm đơn tình nguyện đi “cắm” điểm bản xa và khó khăn nhất như để thử sức.

“Chẳng biết vì sao ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường em luôn ước mơ được trở thành cô giáo. Lên huyện lúc bấy giờ nhìn đâu cũng thấy khó khăn, đói nghèo, anh ạ. Không điện, không đường, không trường… Những giáo viên mới bước vào nghề như em ban đầu lên đây cũng thấy hoang mang, dao động. Nhưng rồi cứ nghĩ đến trẻ ở vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Nếu giáo viên nào cũng muốn ở trường trung tâm, thành phố thì những đứa trẻ nơi biên giới sẽ học tập ra sao?”, cô Nọi chia sẻ.

Trường Mầm non Nà Bủng là ngôi trường đầu tiên cô Nọi đặt chân. Cô được phân công dạy học ở điểm bản Ngải Thầu. Đó là điểm bản giáp biên giới Việt - Lào, khó khăn bậc nhất của huyện Mường Nhé (nay thuộc huyện Nậm Pồ) lúc bấy giờ. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào Mông.

“Người dân ở đây còn lạc hậu lắm. Con em đến 8, 9 tuổi mà vẫn chưa cho đi học. Khi em về đây, điểm trường là nhà tạm, tường gỗ, không sóng điện thoại và cũng chưa có điện lưới quốc gia. Buổi tối thì buồn, đêm cứ dài dằng dặc, ai cũng nhớ nhà. Những ngày đầu em khóc rất nhiều, nhưng vì đã chọn nên không thể lùi bước”, cô Nọi tâm sự.

Cô Nọi cùng phụ huynh tu sửa lớp học tại điểm bản Nậm Tin. Ảnh: NVCC
 Cô Nọi cùng phụ huynh tu sửa lớp học tại điểm bản Nậm Tin. Ảnh: NVCC

Những “hạt giống” của cô Nọi

Vận động học sinh đến lớp đã khó, giữ chân trò ở lại lại càng khó khăn hơn. Mỗi ngày đến lớp, việc đầu tiên là cô điểm danh sĩ số. Có nhiều nhặn gì đâu, mỗi lớp ở điểm bản chỉ có hơn chục học sinh, chỉ lướt qua là thấy. Hễ vắng trò nào là cô lại leo lên tận bản tìm về.

“Có lúc đến tận nhà đón trẻ ra lớp chúng em vẫn bị phụ huynh xua đuổi vì họ muốn con tiếp tục đi nương. Họ xua tay đuổi về và liên tục nói “mùng chế” nghĩa là họ bảo: Cô đi về đi!”, cô Nọi nhớ lại.

Mỗi lúc lên bản, cứ tìm được em này thì em khác lại “trốn”. Nhiều lúc cô chỉ muốn khóc, nhưng phụ huynh nào có hiểu.

“Làm cô giáo mầm non tức là thay mẹ dạy trẻ. Mà muốn làm được điều đó thì trước hết mình phải yêu trẻ, kiên trì, chịu khó tìm cách khơi gợi lòng yêu thích của các cháu trong mỗi buổi học. Dạy trẻ cũng như trồng cây. Cây có được vun xới thì mới lớn nhanh và ra hoa kết trái”, cô Nọi tâm sự.

“Mưa dầm thấm lâu”, cô Nọi cứ miệt mài vận động, tuyên truyền. Khi thì nhờ trưởng bản, lúc lại nhờ cán bộ xã phối hợp vận động học sinh lên lớp. Cứ thế, cô dành hết tình yêu thương của mình cho con trẻ. Cũng nhờ đó mà cô đã chinh phục được những phụ huynh “khó tính” nhất.

“Trước đây, nhiều người không đồng thuận cho trẻ đến trường đâu, vì họ luôn tâm niệm rằng “học cái chữ không làm cho con cái người Mông lo bụng được”. Sau thời gian dài thuyết phục thì nay họ lại rất tích cực tham gia cùng Ban giám hiệu nhà trường vận động con em ra lớp”, cô Nọi kể.

Ông Hờ A Lù, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin trăn trở: “Các cô giáo từ dưới xuôi mang con chữ đến dạy học cho con em đã phải chịu muôn vàn khó khăn. Cán bộ xã chúng tôi nhiều khi cũng thấy ái ngại. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này thì xã gần như “lực bất tòng tâm”. Hy vọng những dự án về nhà công vụ cho các cô giáo sớm được triển khai để các cô đỡ vất vả hơn”.

Suốt bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất biên viễn xa xôi Nậm Pồ, Trường Mầm non Nà Khoa có bao nhiêu điểm bản thì cô Nọi in dấu chân gần hết. Tháng 10/2017 cô đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng.

Đến 9/2020, cô được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nậm Tin. Trên cương vị này, cô đã truyền đạt hết kinh nghiệm bản thân tích lũy được cho những đồng nghiệp đi sau. Tất cả chỉ với mong muốn con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường nhiều hơn, để tương lai tươi sáng hơn.

“Ngày trước tụi nhỏ ở đây rụt rè lắm, chẳng bao giờ nói chuyện hay giao tiếp với người lạ. Nhưng từ khi đến trường đi học, được cô giáo dạy, học tập cùng bạn bè, tụi nhỏ đã mạnh dạn hơn rất nhiều”, cô Nọi phấn khởi nói.

Chia tay Nậm Tin, trở về với phố thị phồn hoa trên con đường gập ghềnh, cheo leo giữa đại ngàn heo hút, chúng tôi hiểu rằng con đường đi tìm cái chữ của học sinh ở Nậm Tin còn nhiều gian nan. Nó chẳng khác gì con đường để đến được nơi đây. Với những nỗ lực của biết bao thế hệ giáo viên “cắm bản” như cô Nọi, tin rằng những “hạt giống” mà các cô “gieo” hôm nay sẽ sớm đâm chồi nảy lộc xanh tươi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.