Khởi nghiệp hay làm thuê?

GD&TĐ - Các CEO khởi nghiệp cho rằng, cuộc sống không nên cái gì cũng tuyệt đối hóa, nhất là với người khởi nghiệp. Tuổi trẻ phải có ước mơ, hoài bão và biết vươn lên từ vấp ngã.

Ý tưởng khởi nghiệp luôn biến đổi, nhưng sở thích, đam mê sẽ luôn ở lại với bạn. Ảnh: Internet
Ý tưởng khởi nghiệp luôn biến đổi, nhưng sở thích, đam mê sẽ luôn ở lại với bạn. Ảnh: Internet

Vấp ngã để trưởng thành

Trả lời câu hỏi của sinh viên, thời điểm nào phù hợp để khởi nghiệp, ông Lương Tuấn Thành – Phó Chủ tịch cao cấp, kiêm Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC khẳng định: Thời điểm phù hợp luôn luôn là hiện tại. Các bạn phải làm, hành động. Khi đã tìm thấy ý tưởng có giá trị và có đam mê thì không bỏ cuộc. Không nên bỏ qua cơ hội nhưng đã khởi nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo ông Lương Tuấn Thành, bản chất của thành công là sức bền để đi đường dài. Nếu chỉ tri thức thì chưa đủ, mà cần có sự bền bỉ và thích nghi được với hoàn cảnh. Ngoài ra, cách làm, cách mình ứng xử với công việc; thậm chí phải hy sinh rất nhiều mới có thể thành công, trong đó có cả thất bại, tệ hơn là chấp nhận phá sản. “Không nên tuyệt đối hóa, nhất là với người khởi nghiệp. Quan trọng là tuổi trẻ phải có ước mơ, hoài bão, dám nghĩ, dám làm và cho phép mình được sai, vấp ngã để trưởng thành và thành công hơn” - ông Lương Tuấn Thành trao đổi.

Trước băn khoăn của nhiều sinh viên về việc khởi nghiệp nên chọn theo đam mê hay trào lưu, ông Đoàn Việt Dũng – Tổng Giám đốc Shopdunk, đại lý ủy quyền chính thức của Apple – phân tích: Các em nên chọn lĩnh vực mà mình yêu thích và có năng lực. Vì nếu chọn theo xu hướng, hay phong trào sẽ không bảo đảm tính bền vững. Có thể hôm nay ý tưởng của bạn hay, nhưng ngày mai sẽ có người copy lại, thậm chí họ làm tốt hơn rất nhiều. 

“Theo tôi, hãy chọn theo con tim, bạn thực sự muốn làm gì và quyết tâm làm đến nơi, đến chốn. Ý tưởng khởi nghiệp luôn biến đổi, nhưng sở thích, niềm đam mê sẽ luôn ở lại với bạn” - ông Đoàn Việt Dũng chốt lại, đồng thời nhắn gửi: Các bạn cứ mạnh dạn khởi nghiệp, đừng sợ sai và cũng không nên sợ thất bại. Sai đâu sẽ sửa đấy và có thất bại sẽ cho ta bài học quý để thành công. Ngoài ra, các bạn cần trang bị thêm cho mình kỹ năng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, kỹ năng tin học và một số kỹ năng mềm giao tiếp, thuyết trình…

Từng thất bại và bị phá sản nhưng ông Dũng luôn tâm niệm, thất bại ở đâu, đứng lên từ đấy và phải tự đặt câu hỏi: Tại sao mình thất bại, mình thiếu cái gì? Sau đó bổ sung. “Ngày đó, tôi nhận thấy mình yếu về quản lý, nên phải đi học quản trị kinh doanh. Các bạn cũng vậy, nếu có thất bại thì hãy nhìn lại, để thiếu gì bổ sung nấy” – ông Dũng nói, đồng thời chia sẻ: Nếu các bạn có ý tưởng và đủ năng lực, sẵn sàng khởi nghiệp sẽ có doanh nghiệp hỗ trợ nguồn vốn. Vì thế, để khởi nghiệp, nguồn vốn không phải là tất cả mà cần nhiều yếu tố khác.

Trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV 

Trao đổi về vấn đề khởi nghiệp cho HSSV, bà Lê Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1665 về hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Đề án nhằm trang bị  kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập và sau khi tốt nghiệp ra trường. Đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án phục vụ khởi nghiệp; góp phần cho việc học tập tại nhà trường cũng như khi tốt nghiệp ra trường.

Sau 3 năm triển khai, ngành Giáo dục thu được một số kết quả ban đầu thông qua các dự án khởi nghiệp của HSSV dự thi tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia được tổ chức hàng năm. Trong hai năm 2018, 2019, cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp nhận được 350 dự án đến từ các cơ sở đào tạo, và 150 dự án đến từ khối các trường phổ thông. Trong đó, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang sản xuất thử. 

Hiện nhiều dự án của HSSV được thành lập thành doanh nghiệp hoặc được các doanh nghiệp lớn mua lại để đưa vào sản xuất đại trà. Qua đó cho thấy, mặc dù kết quả không lớn nhưng đã tạo ra được những điểm nhấn ban đầu với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV trong các trường đại học và phổ thông.

Bà Hằng cho hay: Năm 2020, Bộ GD&ĐT chỉ đạo cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp. Đến nay, có 600 dự án của HSSV tham gia cuộc thi. Bộ GD&ĐT đã thành lập ban giám khảo và đã chấm, lựa chọn vào vòng chung kết được 72 dự án. Trong 72 dự án, có 50 dự án đến từ các trường đại học và 22 dự án của trường phổ thông. Vòng chung kết này sẽ được tổ chức vào ngày 21 - 22/12  tại Trường ĐH Thủy lợi. 

Là thành viên của Nhóm nghiên cứu “Cải tiến và phát triển sản phẩm từ gạo truyền thống và chiết xuất từ thiên nhiên”, Phạm Minh Hà - sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Đề tài của nhóm đoạt giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 cấp học viện. Giải thưởng không phải là mục tiêu cuối cùng của cả nhóm, điều quan trọng chúng em được trải nghiệm, học nhiều điều từ cuộc thi (lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, chiến lược cho đến hành động…); đặc biệt là phát triển kỹ năng mềm: Làm việc nhóm, thuyết trình và ngoại giao… 

Nhằm tạo động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho HSSV và để hỗ trợ các em có thêm tinh thần, động lực học tập, rèn luyện, Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi Hành trình khởi nghiệp tại hơn 20 trường đại học trên cả nước và một số trường phổ thông. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của các nhà trường, doanh nghiệp và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định đối với HSSV. - Bà Lê Thị Hằng  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.