Hôm nay ai đưa em đến trường?

GD&TĐ - Vào ngày này, trên khắp mọi miền Tổ quốc, hàng triệu học sinh ở các lứa tuổi, ở mọi bậc học, đều háo hức và mong muốn được cha, mẹ, người thân đưa tới trường, cùng dự lễ khai giảng. Thế nhưng, niềm vui tưởng chừng nhỏ bé ấy đôi khi không thể thực hiện vì bố mẹ các em - những giáo viên cắm bản đang bận rộn lo cho học trò của mình.  

Nhiều thầy cô chưa một lần được dắt tay con đến trường trong ngày khai giảng. Ảnh: T.G
Nhiều thầy cô chưa một lần được dắt tay con đến trường trong ngày khai giảng. Ảnh: T.G

Chưa một lần đưa con đi khai giảng

Bản Vui - địa điểm khó khăn nhất, nhì so với các bản còn lại ở xã Thanh Xuân, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa). Ở đây, có một điểm lẻ của Trường Tiểu học và Trường Mầm non Thanh Xuân. Muốn vào bản Vui, phải thuê xuồng máy qua sông Mã rồi “trườn” xe máy theo 6 km đường rừng. Điểm trường này có hơn 40 học sinh tiểu học; 2 lớp ghép; được bố trí 3 thầy giáo, trong đó, thầy Bùi Ngọc Sơn làm điểm trưởng.

Thầy giáo Bùi Ngọc Sơn là người ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), lên nhận công tác ở Trường Tiểu học Thanh Xuân năm nay đã 16 năm.

Tôi hỏi thầy Sơn vào ngày khai giảng hàng năm, đã “tranh thủ” được lần nào để đưa con mình đến trường chưa? Nghe hỏi chuyện, thầy Sơn chỉ cười buồn. Nhìn ánh mắt và nụ cười ấy, tôi cảm nhận, dường như trong lòng thầy chất chứa một nỗi buồn xa xăm, nhưng không muốn bày tỏ. “Từ khi chưa có vợ, tôi đã lên đây nhận công tác. Đến khi có gia đình, sinh hai đứa con, năm nay cháu đầu vào lớp 5 và con út vào lớp 1, nhưng thú thật với anh, tôi chưa lần nào đưa các con tới trường để dự buổi lễ khai giảng.

Biết là các con tủi thân, nhưng vì công việc bố phải đi xa, nên đành “ủy quyền” cho mẹ lo cả. Hơn nữa, tính chất công việc của chúng tôi là giáo viên “cắm bản”, nên không thể bỏ trường lớp, càng không thể bỏ mặc các em học sinh trong ngày khai giảng năm học. Vì thế, trước khi trở lại trường cách đây hơn 1 tuần, tôi phải “làm công tác tư tưởng” với vợ và “nịnh” các con, để bố yên tâm công tác”, thầy Sơn bộc bạch.

Trường hợp thứ hai rơi vào cảnh chưa bao giờ đưa con đến trường đón lễ khai giảng, đó là thầy giáo Hoàng Sỹ Xuân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Thanh Hóa). Quê thầy Xuân ở xã Quảng Tâm, TP Thanh Hóa. Cách đây 22 năm, thầy Xuân lên nhận công tác tại huyện Mường Lát. Từ bấy đến nay, thầy Xuân cũng chưa một lần đưa con đi dự lễ khai giảng đầu năm học.

Thầy Xuân bảo: “Vợ chồng tôi có hai con, một trai một gái. Cháu lớn năm nay học lớp 6, còn cháu nhỏ vào lớp 2. Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị vào năm học mới, các con lại đòi bố phải ở nhà để đưa đến trường dự lễ khai giảng; nhất là cậu út cứ đòi bố mua cờ, bóng bay, quần áo mới, giày dép, mũ mão, cặp sách... và đưa đến trường như các bạn cùng lớp. Thế nhưng, do nghề nghiệp của mình, tôi không thể ở nhà trong những ngày này. Trước đây, dù là giáo viên đứng lớp, tôi cũng đã không thể ở nhà trong ngày khai giảng; còn bây giờ làm quản lý, lại càng không thể vắng mặt được. Cũng may, vợ mình không làm trong ngành Giáo dục, nên có thời gian đưa con đi dự khai giảng”.

Trăm sự nhờ ông, bà

Đón trò vào lớp, còn con mình đành trông chờ người thân. Ảnh: T.G
Đón trò vào lớp, còn con mình đành trông chờ người thân. Ảnh: T.G 

Câu chuyện về nỗi lòng của người cha là giáo viên “cắm bản” chưa một lần đưa con đến trường dự lễ khai giảng, đã khiến chúng tôi mủi lòng. Thế nhưng, những trường hợp làm mẹ là giáo viên từ dưới xuôi lên miền núi cắm bản trải lòng về ngày khai giảng, mà phải nhờ người khác đưa con đến trường lại càng xúc động.

Là giáo viên mầm non “cắm bản” ở xã Thanh Xuân (huyện Quan Hóa), từ năm 2011 đến nay, cô Hà Thị Trang, quê ở xã Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa), có hoàn cảnh rất khó khăn.

Vào những ngày này năm ngoái, cô Trang nhận nhiệm vụ một mình vào bản Giá (Thanh Xuân) để cùng hai cô giáo ở bản này “gieo vần” cho 50 học sinh mầm non. Để có thời gian dành cho học trò thân yêu của mình và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, cô giáo Hà Thị Trang phải gửi hai đứa con nhỏ của mình ở quê cho ông bà nội chăm sóc. Con trai đầu lòng của cô Trang năm nay học lớp 4, còn cháu nhỏ mới hơn 3 tuổi. Chồng cô Trang cũng ở quê, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nên anh ra Hà Nội kiếm việc làm, thi thoảng mới về quê thăm vợ con và gia đình.

Còn rất nhiều, rất nhiều em nhỏ là con thầy cô dù không công tác ở vùng núi xa xôi nhưng hiếm khi được cha mẹ dắt tay đến trường trong ngày khai giảng. Bởi ngày này, bố mẹ còn phải lo cho học trò của mình, phải đón trò vào lớp. Còn con của thầy, cô đành cậy nhờ người thân.

Năm nay, cô giáo Trang được trở về trường chính ở trung tâm xã Thanh Xuân để dạy, nên cô đưa cả con nhỏ lên cùng ở với mình. Còn con trai đầu lòng năm nay đã lên lớp 4, nên cô cũng đỡ lo lắng hơn trước, vì cháu đã tự đạp xe đến trường cách nhà 2 km để đi học hàng ngày. “Buồn lắm anh ạ! Từ khi lên nhận công tác ở trên này, chưa bao giờ em có dịp đưa con trai mình đến trường dự buổi khai giảng. Bố cháu cũng không thể về đưa con đi thay mẹ được, nên tất cả phải nhờ ông, bà nội. Nhiều lúc nghĩ đến việc con mình chưa bao giờ được cha, mẹ đưa đến trường ngày đầu năm học mà ứa nước mắt. Thế nhưng, vì công việc, vì hoàn cảnh gia đình nên đành phải dỗ dành, an ủi con thôi. Thực ra, đứa trẻ nào đang độ tuổi tiểu học mà chẳng muốn được cha, mẹ mình đưa tới trường vào ngày khai giảng”, cô Trang bộc bạch.

Cùng chung cảnh như cô Trang, cô giáo Lê Thị Nhàn, giáo viên Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa) cũng không có điều kiện đưa con tới trường dự lễ khai giảng năm học mới này. Vợ chồng cô Nhàn ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Năm 2006, cô Nhàn lên Trường THCS Trung Sơn nhận công tác và bám trường từ đó đến nay. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô bàn với chồng đưa cả gia đình lên Trung Sơn, để có thời gian và điều kiện chăm sóc các con.

Hai vợ chồng mượn đất của bà con dựng nhà sinh sống, để các con được gần mẹ hơn. Đến đầu năm nay, vợ chồng cô quyết định đưa hai con về quê sống cùng bố và ông bà, còn mình cô ở lại “cắm bản”. “Các cháu buồn lắm, cứ đòi mẹ phải ở nhà để đưa đến trường dự lễ khai giảng. Nhưng vì công việc, tôi không thể xin nghỉ ở nhà để đưa con đến trường vào ngày này, đành nhờ bố các cháu an ủi và đưa chúng đến trường thôi. Biết làm sao được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên cần xem xét kỹ các văn bản thông báo học bổng và lựa chọn trung tâm du học chính thống. Ảnh minh họa: Thùy Linh

Học bổng, trao đổi sinh viên: Thật giả khó lường

GD&TĐ - Hứa hẹn học bổng toàn phần, chương trình trao đổi quốc tế hay thậm chí lệnh bắt giữ đều là những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi nhắm đến sinh viên, đặc biệt tại các thành phố.

Cuốn sách do nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu biên soạn.

Giai thoại chúa Nguyễn mở đất phương Nam

GD&TĐ - Nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Hữu Hiếu vừa ra mắt cuốn sách “Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam” với những thông tin thú vị.