Học làm thầy từ những người thầy

GD&TĐ - “Những người thầy đáng kính đã đến và ở lại trong trái tim tôi. Tôi luôn biết ơn, trân trọng cách các thầy truyền thụ kiến thức, cũng như dạy chúng tôi nhân cách và y đức của người thầy thuốc. Tôi đã phấn đấu học tập, noi gương các thầy và mong muốn truyền lửa cho những thế hệ học trò của mình có một trái tim sáng để tri ân với cuộc đời này.” Đó là những chia sẻ của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.  

Giáo sư  Nguyễn Anh Trí 
thăm khám  cho các  bệnh nhân nhi
Giáo sư Nguyễn Anh Trí thăm khám cho các bệnh nhân nhi

Ký ức thời chiến

Ký ức thời đi học của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí là những năm tháng quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) phải hứng chịu bom đạn của kẻ thù. Đó là khoảng thời gian cậu bé Nguyễn Anh Trí và bạn bè cùng trang lứa mặc dù thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng không khi nào nguội tắt ước mơ được đến trường.

“Tôi cũng như bạn bè cùng thế hệ lớn lên trong thời kỳ đất nước chiến tranh đầy gian khó. Quảng Bình chính là tuyến lửa ác liệt. Vì vậy, những đứa trẻ như chúng tôi quen với cái đói, quen với việc học dưới giao thông hào, với những tiếng nổ chát chúa của bom đạn.

Trường liên tục bị bom Mỹ thiêu cháy, hoặc hư hỏng; lớp học phải nằm sâu dưới lòng đất, vậy mà thầy trò vẫn miệt mài cùng sách vở. Ngày ấy, góc học tập của tôi chỉ là những mảnh ván ghép sơ sài, nơi ghế ngồi là thùng đạn. Nhiều tiết học trên lớp dang dở vì đạn pháo kẻ thù. Điều kiện học tập vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng chúng tôi vẫn ham học và học mọi lúc có thể.

Tôi nhớ, thời kỳ chúng tôi học cấp 3, Trường cấp 3 huyện Lệ Thủy chuyển hướng sang vừa học vừa làm. Thường thì học sinh học từ thứ 2 đến thứ 5 còn 3 ngày cuối tuần dành cho tăng gia sản xuất. Việc cuốc đất, trồng sắn, trồng ngô, làm ruộng, cấy lúa tất cả những đứa trẻ đều thành thục như những người nông dân.

Và thầy cô giáo của chúng tôi cũng sớm tối, lăn lộn ngoài đồng ruộng, trên bãi cát y như học trò. Vậy nên, giữa thầy và trò dường như không còn khoảng cách, mà gần gũi thân thiết tựa ruột thịt. Cuộc sống vất vả, bữa đói nhiều hơn bữa no, củ khoai, củ sắn thay cơm là chuyện thường tình. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao ngày đó chúng tôi lại vượt qua tất cả để sống, học tập và ước mơ” - Giáo sư Nguyễn Anh Trí trải lòng.

Nhiều lần, cậu bé Trí cùng các bạn đi bộ cả ngày trời, thậm chí cả đêm mới đến nơi để kiếm tre, gỗ về dựng lại lớp học. Giáo sư Trí nhớ lại, những lần phải chèo thuyền trong đêm, mệt tới mức buông cả tay chèo khiến con thuyền tự trôi vô định.

“Cánh tay và bả vai rã rời không còn cảm giác, lúc sực tỉnh mở mắt là màn tối đen thui, hơi lạnh từ mặt sông phả ra dấp dính, hai con mắt thì cay xè...” Cực như vậy, nhưng cứ được đi học là thích, bởi những cậu học trò ngày ấy luôn khát khao từng con chữ, mong sao có thể vượt ra khỏi lũy tre làng để tiến xa hơn.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí
 Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí

“Thầy cô thuở ấy nhất mực thương yêu học trò. Khó mà nói hết được những tình cảm mà các thầy cô dành cho học sinh của mình. Nhiều thầy cô cũng là người làng, người xã nên chẳng chút xa cách ngại ngần”. Giọng Giáo sư chan chứa ân tình khi nhắc về những người thầy kính yêu.

Thầy Nguyễn Văn Bạch, năm nay đã ngoài 80 tuổi (dạy Giáo sư Trí năm lớp Ba) tới nay vẫn luôn dõi theo cậu học trò nhỏ của mình. Khi Giáo sư được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, hay Giải thưởng Hồ Chí Minh, thầy Bạch vẫn gửi thư động viên chúc mừng học trò.

Trong trái tim thầy, lúc nào Giáo sư Trí vẫn là cậu học trò nhỏ thân thương. Chỉ khác, giờ đây, cậu học trò ấy đã trở thành tấm gương không ngừng phấn đấu với những công trình khoa học cao quý mà thầy và bà con vùng đất Lệ Thủy vô cùng tự hào.

Sau này, khi vinh dự bước vào Trường Đại học Y Hà Nội, cậu sinh viên Nguyễn Anh Trí càng cảm thấy mình may mắn được là học trò của những giáo sư hàng đầu về y khoa của Việt Nam.

Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Chung, Giáo sư Phạm Khuê, Giáo sư Bạch Quốc Tuyên; rồi sau nữa là PGS Nguyễn Thị Minh An… là hiện thân của đức tính cẩn trọng, chỉn chu, luôn nhiệt huyết với công việc và người bệnh.

Không những giỏi về chuyên môn, các thầy chính là tấm gương mẫu mực về y đức. Những khao khát, khám phá, chiếm lĩnh kiến thức khoa học của cậu sinh viên trẻ được thỏa mãn trong từng tiết học trên giảng đường và đặc biệt là những giờ thực hành tại bệnh viện.

“Năm thứ 3, thứ 4, các sinh viên Y khoa thường được cử đến bệnh viện để thực hành. Thời gian thực tập ở Khoa Nội - Bệnh viện Bạch Mai, tôi có thói quen đến viện từ sớm để thăm khám cho người bệnh.

Những lúc đó, tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh của Giáo sư Nguyễn Văn Xang, (sau này là Bệnh viện trưởng, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) đích thân thầy (thầy có thể yêu cầu một người khác làm việc này) đi chắt nước tiểu của bệnh nhân để làm xét nghiệm. Một việc làm nhỏ như vậy, nhưng sinh viên chúng tôi học được sự tận tình chu đáo không nề hà bất cứ việc gì khi khám chữa cho bệnh nhân của thầy.

Hay tấm gương của Giáo sư Nguyễn Khắc Liêu ở Bộ môn Sản khoa cũng luôn được bệnh nhân và sinh viên chúng tôi truyền lại kể cho nhau nghe. Có những đêm, sau khi ca mổ phức tạp hoàn tất, để có thể trực tiếp theo dõi diễn tiến của bệnh nhân, thầy Liêu đã trải chiếu ngay dưới chân giường người bệnh để nằm… Những câu chuyện như thế trở thành bài học giáo dục sâu sắc và nhanh nhất cho sinh viên chúng tôi học tập và noi theo.

Lan tỏa niềm say mê cống hiến

Giáo sư Nguyễn Anh Trí tại Trung tâm Truyền máu
Giáo sư Nguyễn Anh Trí tại Trung tâm Truyền máu  

Tấm gương nỗ lực trong chuyên môn, lòng nhân từ, thương yêu người bệnh như chính bản thân mình của những người thầy đã thấm tới nhân cách trong quá trình làm nghề của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Trí.

Gắn bó với chuyên ngành Huyết học - Truyền máu, điều Giáo sư luôn trăn trở đó là làm sao tìm đủ nguồn máu sạch, đảm bảo chất lượng thì mới mong mang lại sự sống cho bệnh nhân. Thế nên, ông là người khởi xướng: “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình đỏ”.

Đây là hai chương trình hiến máu quy mô toàn quốc, mỗi năm thu hút hàng chục vạn người trong cả nước tham gia. Nhờ đó, một lượng máu lớn được bổ sung cho ngân hàng dự trữ máu. Triệu, triệu giọt hồng đó đã cứu mạng sống hàng vạn bệnh nhân.

Niềm vui cứu người bệnh còn được nhân lên tại các chương trình xây dựng “Ngân hàng máu sống cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” và gần đây là dự án xây dựng “Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng”. Rất nhiều bệnh nhân không may bị ung thư máu và một số bệnh nặng khác đã có cơ hội nối dài sự sống.

“Tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi có được sức khỏe, có được một công việc để cứu giúp mọi người. Khi có bất cứ một cơ hội nào tôi đều chia sẻ với học trò và các đồng nghiệp của mình một điều: Đã có quyết tâm theo nghề Y thì phải luôn có khát khao trở thành một bác sĩ giỏi.

Nếu chỉ có trái tim nhân hậu, y đức thì chưa đủ, một bản lĩnh chuyên môn giỏi sẽ là thước đo giúp bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bởi sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là mang lại sự sống cho những bệnh nhân khi mà họ gửi gắm niềm tin vào mình”.

Năm 2017, Giáo sư Nguyễn Anh Trí được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng 2 kỷ lục: “Nhà khoa học có số lượng bài báo khoa học chuyên ngành Huyết học - Truyền máu nhiều nhất” và “Nhà khoa học thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Huyết học - Truyền máu nhất”. Đến tháng 7/2017, GS Nguyễn Anh Trí đã có 328 bài báo công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 306 bài báo tiếng Việt và 22 bài tiếng Anh. GS Nguyễn Anh Trí và tập thể Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã được nhận giải Nhất “Nhân tài Đất Việt” về tế bào gốc và Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm đề tài về Truyền máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ