Hành trình gieo hạt giống tri thức cho trẻ vùng cao

GD&TĐ - Lặng thầm hy sinh tuổi trẻ, tuổi xuân, kiên trì bám trường, bám bản, nhiều thầy cô giáo đã chấp nhận vượt mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực từng ngày để gieo những hạt giống mơ ước cho học sinh nghèo vùng cao.

Hành trình vượt núi gieo chữ vất vả và gian nan
Hành trình vượt núi gieo chữ vất vả và gian nan

Những bước chân băng đèo vượt núi

Trường Tiểu học Yên Cư thuộc xã Yên Cư nằm ở phía Đông của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, thuộc xã có điều kiện Kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã 135). Dân cư chiếm 99% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người dân tộc Dao thuộc các thôn bản lẻ.

Ngôi trường nằm cách trung tâm huyện 30km, con đường men theo chân núi, nhiều gấp khúc. Nhưng có lẽ phải thực địa trên con đường “huyền thoại gập ghềnh” này vào những ngày mưa, mới thấu hết được sự vất vả và nghị lực đến trường của học sinh vùng cao, đặc biệt là hành trình vượt mọi gian nan cõng chữ tới trường của các thầy cô bám bản.

Với nhiều điểm trường nằm tách biệt trên những ngọn núi cao, muốn đến được đây các thầy cô phải băng đèo vượt qua những con dốc cao chót vót, nhất là vào mùa mưa đường trơn như đổ mỡ, mây mù phủ trắng trời.

Phần lớn các em học sinh Trường Tiểu học Yên Cư là con em đồng bào dân tộc thiểu số

Phần lớn các em học sinh Trường Tiểu học Yên Cư là con em đồng bào dân tộc thiểu số

Khó khăn là thế, gian khổ là thế nhưng chưa bao giờ các thầy cô bám bản của Trường Tiểu học Yên Cư dừng bước chân của mình. Những người hùng thầm lặng ấy hàng ngày vẫn cần mẫn băng đèo, vượt qua ngọn núi cao để gieo hạt giống tri thức cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tin và là những yêu thương được gửi gắm dành cho học trò nghèo. Bởi, niềm vui của các em cũng chính là động lực, niềm động viên khích lệ quý giá đối với các thầy cô.

Thấu hiểu khắc nghiệt của vùng cao, thầy cô thêm yêu nghề mến trẻ

Giữa bốn bề chỉ có cây rừng và núi cao, cuộc sống người giáo viên thiếu thốn trăm bề. Trường có nhiều điểm trường lẻ, cách xa điểm trường chính, giao thông đi lại không thuận lợi, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn do đó việc hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

Năm học 2020-2021 nhà trường còn 7 lớp ghép, trong đó có 5 lớp ghép 2 trình độ, 2 lớp ghép 3 trình độ. Toàn bộ các lớp ghép đều nằm tại các điểm trường, vì vậy thầy cô rất khó khăn trong việc dạy học và các em học sinh cũng chịu không ít thiệt thòi.

Tại các điểm trường không có sóng điện thoại, không có internet, các trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều thiếu cùng với trình độ dân trí còn hạn chế nên học sinh hoàn toàn không được tiếp cận với công nghệ thông tin để học tập và giải trí. Thương các con thiệt thòi, các thầy, cô giáo ở đây luôn nỗ lực hết mình để bù đắp tri thức và tình cảm.

Vào mỗi buổi chiều, khi đã hết giờ học, các thầy cô còn dạy các em chơi các môn thể thao lành mạnh như bóng đá, đá cầu… Dành thời gian tự làm đồ dùng học tập, góc học tập sáng tạo, góc tạo hình, góc xây dựng… Mỗi góc học tập trong lớp đều do bàn tay của thầy cô khéo léo tạo ra.

Khó khăn là vậy nhưng thầy và trò nhà trường vẫn kiên định theo đuổi những mục tiêu, lý tưởng và hoài bão lớn.
Khó khăn là vậy nhưng thầy và trò nhà trường vẫn kiên định theo đuổi những mục tiêu, lý tưởng và hoài bão lớn.

Thầy giáo Trịnh Quốc Đoàn, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Yên Cư chia sẻ: Hiện nay, Trường Tiểu học Yên Cư có 1 điểm chính và 4 điểm lẻ với tổng số học sinh duy trì khoảng gần 300 em với 16 lớp. Trong đó, đội ngũ giáo viên có 27 thầy cô giáo, 2 CBQL giáo viên 22, nhân viên 03.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội của đia phương, trong nhiều năm trở lại đây công tác GD&ĐT trên địa bàn đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là trong bối cảnh đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì đòi hỏi trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường cũng phải thay đổi theo hướng phát triển cao hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, học sinh và phụ huynh.

Các thầy cô phải thực sự tâm huyết và yêu nghề, bởi học sinh đến trường không chỉ được học mà còn được chính những người chèo lái con thuyền tri thức ấy truyền cảm hứng để tiếp thêm nghị lực, giúp các em vượt lên số phận thoát khỏi cái nghèo. Chính nhờ điều đó, trong những năm gần đây tại các điểm trường không còn tình trạng học sinh bỏ học.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Mới cho biết: Để đáp ứng nhu cầu dạy – học và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Yên Cư. Thời gian qua, ngành Giáo dục địa phương đã đề xuất, tham mưu với UBND huyện nâng cấp, sửa chữa các phòng học xuống cấp, tìm nguồn xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, hệ thống nước sạch, hệ thống nhà vệ sinh…Đồng thời, tham mưu giải quyết chế độ của giáo viên và học sinh kịp thời đúng quy định.

Như vậy, mặc dù sự nghiệp trồng người nơi đây còn nhiều gian nan, vất vả con đường chạm tới ước mơ của các em còn rất dài và khó khăn, thế nhưng, bằng sự nỗ lực của các thầy các cô giáo cùng sự quan tâm của ngành giáo dục địa phương chắc chắn những hạt giống ước mơ sẽ nảy mầm và vươn xa, vươn cao trên những khô cằn sỏi đá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ