Giáo viên làm công tác “hậu cần” ở khu cách ly

GD&TĐ - Trong thời gian nghỉ hè, nhiều giáo viên ở các trường học trên địa bàn TP Kon Tum tình nguyện làm công tác “hậu cần” ở khu vực cách ly, góp sức phòng, chống dịch bệnh.

Giáo viên chia cơm để lực lượng chức năng vận chuyển đến những trường hợp đang cách ly.
Giáo viên chia cơm để lực lượng chức năng vận chuyển đến những trường hợp đang cách ly.

Xung phong hỗ trợ chống dịch

Như thường lệ, cứ 7 giờ 30 phút sáng mỗi ngày, gần chục giáo viên của các trường học trên địa bàn TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) lại có mặt ở Trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 4. Nơi đây được trưng dụng thành khu vực cách ly tập trung của khoảng 70 trường hợp F1, F2.

Chẳng ai bảo ai, người thì nhặt rau, rửa thịt cá… nhưng ai nấy đều đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cô Hồ Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP Kon Tum) cho biết, ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường Cao đẳng Cộng đồng 4 trở thành khu cách ly tập trung thì cô và gần 30 cán bộ, giáo viên của trường xung phong hỗ trợ bếp ăn.

Cô Mai cho hay, do số lượng trường hợp cách ly tập trung không nhiều, do đó thầy cô chia ca hỗ trợ theo ngày. Mỗi ngày có khoảng 2 - 3 người tham gia phụ giúp các chiến sĩ bộ đội.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ (áo đỏ) hỗ trợ bếp ăn với mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ (áo đỏ) hỗ trợ bếp ăn với mong muốn dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi.

“Còn vài ngày nữa mới tới lượt mình tham gia hỗ trợ ở khu cách ly này. Tuy nhiên, thấy một số thầy cô tham gia mình sốt ruột nên hôm nay tới phụ giúp. Tại đây, người thì phụ nhặt, rửa rau người rửa chén, chia thức ăn vào từng hộp.

Ban đầu khi biết nơi mình phụ nấu ăn là khu cách ly, có các trường hợp F1, F2 bản thân cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, khi đến đây, chỗ nấu ăn cách xa khu cách ly, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo nghiêm ngặt. Chính vì vậy, các giáo viên không còn lo lắng. Ngược lại, ai nấy đều hạnh phúc khi được góp chút sức lực của mình để hỗ trợ cộng đồng”, cô Mai tâm sự.

Tương tự, cô Huỳnh Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Ia Chim, TP Kon Tum) cho hay, hôm nay cũng là ngày đầu tiên cô tham gia hỗ trợ bếp ăn. Hàng ngày ở nhà cô vẫn thường xuyên đảm nhận công việc này nên không gặp khó khăn hay bỡ ngỡ gì.

“Mình vẫn thường xuyên cập nhật các tin tức về tình hình dịch bệnh. Tỉnh mình may mắn khi chưa có trường hợp nào dương tính. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị vẫn đang cố gắng, nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Do đó, mình hy vọng chút sức lực của bản thân sẽ giúp dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi”, cô Huệ tâm sự.

Giáo viên mỗi người một việc phụ giúp ở bếp ăn khu cách ly Trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 4.
Giáo viên mỗi người một việc phụ giúp ở bếp ăn khu cách ly Trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 4. 

Cả nhà chống dịch

Từ nhà đến khu cách ly khoảng 7km, mỗi ngày cô Đặng Thị Mỹ Tiên, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hồng (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum) đi sớm hơn các giáo viên khác để kịp giờ phụ bếp cơm.

Không phải là người quen với việc bếp núc, do đó khi mới tới đây cô Tiên còn khá bỡ ngỡ. Sau vài ngày tham gia, cô Tiên đã quen dần với công việc nội trợ này. Giờ đây, bất kì việc gì trong bếp cô Tiên đều xắn tay vào tham gia, chẳng quản nặng nhẹ.

“Hiện tại mình chỉ mới 23 tuổi, chưa vướng bận chồng con nên thời gian còn rảnh rỗi. Đặc biệt khoảng thời gian này giáo viên đang nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến công việc. Có rất nhiều giáo viên khác cũng đăng kí tham gia hỗ trợ, nhưng bếp ăn hiện tại đã đủ số lượng. Chính vì vậy, mình thấy hạnh phúc khi may mắn được tham gia. Mình muốn góp chút sức lực để chung tay cùng cộng đồng nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Mùa hè năm nay với mình ý nghĩa hơn những năm trước”, cô Tiên nói.

Gia đình cô Nguyễn Thị Minh Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền được mệnh danh là “cả nhà chống dịch” ở bếp ăn khu cách ly này. Bởi chồng cô là bộ đội, 3 tháng nay chưa về nhà do phải túc trực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Còn 2 người con lớn của cô hiện đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Hà Nội. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên 2 người con của cô cũng xung phong tham gia chống dịch.

Giáo viên đến hỗ trợ, công việc của lực lượng chức năng cũng bớt phần vất vả.
Giáo viên đến hỗ trợ, công việc của lực lượng chức năng cũng bớt phần vất vả. 

“Tôi có chồng là bộ đội nên hiểu được sự khó khăn, vất vả của lực lượng phòng, chống dịch bệnh. Do đó, tôi muốn góp chút sức lực để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Tôi nghĩ, mỗi người một tay, cùng nhau chung sức thì những việc làm nhỏ sẽ trở thành to lớn.

Các con tôi khi hay tin mẹ đăng kí tham gia hỗ trợ bếp ăn ở khu cách ly thì rất ủng hộ. Do đó, thời gian rảnh rỗi cả nhà cùng động viên nhau cố gắng, chung tay hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh”, cô Huệ tâm sự.

Thượng úy Lê Minh Nam, Quân y sĩ, Ban Chỉ huy quân sự TP Kon Tum cho biết, trước đây bếp ăn chỉ có vài người nên công việc rất bận rộn và vất vả. Từ ngày có thầy, cô giáo đến hỗ trợ thì công việc được san sẻ phần nào. Khi tham gia vào khu vực hậu cần, giáo viên hỗ trợ sơ chế đồ ăn, ra cơm và dọn dẹp... Tại đây, giáo viên được sát khuẩn, đeo khẩu trang kĩ lưỡng nên đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Nhờ các cán bộ, giáo viên thì công việc của anh em cũng bớt vất vả. Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo ngành Giáo dục và các thầy cô giáo đã cùng đồng hành, hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”, Thượng úy Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.