Giáo dục học sinh cá tính bằng thương yêu

GD&TĐ - Trong quá trình giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, giáo viên không chỉ được tiếp xúc với học sinh có thành tích học tập tốt, chăm ngoan, mà còn phải tiếp nhận một vài học sinh cá tính mà lâu nay chúng ta quen gọi là học sinh cá biệt. 

Giáo dục học sinh cá tính bằng thương yêu

Thực tế này gây nên sự căng thẳng lo lắng cho giáo viên, nhất là giáo viên trẻ, giáo viên nữ. Làm thế nào để giáo dục, giáo dưỡng, phát triển học sinh nói chung và học sinh cá tính nói riêng luôn là nỗi băn khoăn, trăn trở đối với giáo viên.

Học sinh cá biệt hay cá tính: Bấy lâu nay chúng ta quen dùng từ học sinh “cá biệt” để chỉ đối tượng học sinh có kết quả học tập kém, việc chấp hành nội quy trường, lớp, ý thức tổ chức, kỷ luật chưa tốt, theo chúng tôi không nên dùng từ học sinh “cá biệt” mà nên thay thế bằng từ học sinh “cá tính” để nói về đối tượng này. Sở dĩ gọi là học sinh “cá tính” mà không gọi là học sinh “cá biệt” vì “cá biệt” là riêng lẻ không giống với bất cứ học sinh nào khác, “cá tính” là việc thể hiện tính cách đặc điểm, phẩm chất cá nhân trong tập thể lớp, thế nên học sinh cá tính vẫn mang đầy đủ các phẩm chất của học sinh nói chung chỉ có điểm khác là học sinh thể hiện cá tính của mình một cách rõ nét, đôi khi có những điểm khác biệt so với các học sinh khác.

Vậy nên, cần xem xét và nhận định đúng về học sinh cá tính để có phương pháp giáo dục theo hướng phát triển toàn diện và đảm bảo việc phát huy năng lực, sở trường, tính cách của từng học sinh theo cá nhân hóa giáo dục trong công tác giáo dục hiện đại ngày nay.

Việc giáo dục học sinh cá tính theo hướng cá nhân hóa hoạt động giáo dục đòi hỏi người giáo viên cần phải: Hiểu về cá tính để cảm hóa học sinh bằng sự chân thành và lòng yêu thương: Hiểu học sinh cá tính ở đây không chỉ đơn thuần là việc nắm bắt những vấn đề mang tính kỹ thuật thông thường về độ tuổi, giới tính mà giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm cần đi sâu nắm rõ những vấn đề thuộc về tâm lý lứa tuổi, hoàn cảnh, điều kiện gia đình, môi trường tự nhiên, xã hội nơi học sinh sống, các đối tượng khác trong mối quan hệ với học sinh để từ đó dần dần xâm nhập tìm hiểu được đặc điểm tính cách của học sinh và nguyên nhân hình thành nên cá tính ấy.

Chính việc tìm hiểu thấu đáo giúp cho giáo viên cảm thấy yêu thương học sinh của mình hơn vì trong hoàn cảnh điều kiện nhiều bất lợi mà học sinh còn đứng vững và thể hiện cá tính của mình, đó là điều đáng trân trọng và khâm phục từ đó có điều kiện gần gũi, trải lòng chia sẻ, trao đổi cùng các em như một “người bạn”, “người anh”, “người chị” từng trải qua hoàn cảnh, bằng ý chí và nghị lực vươn lên tới sự thành công, thay vì chê trách, quở phạt, kỷ luật học sinh, giáo viên hãy yêu thương và tôn trọng học sinh của mình, bằng chính sự thương yêu, tôn trọng gần gũi, tâm sự, sẻ chia với các em sẽ dần cảm hóa và giáo dục được học sinh vì rằng: “Chính sự thương yêu, cảm thông bằng trái tim mới cảm hóa được mọi thứ trong tâm hồn con người”.

Là tấm gương cho học sinh: Bác Hồ đã dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn thuyết” điều này vẫn nguyên ý nghĩa, vậy nên muốn giáo dục, chinh phục, thuyết phục học sinh cá tính trước tiên mỗi thầy, cô giáo hãy rèn luyện bản thân mình về tinh thần tự học tập, rèn luyện và ý chí vươn lên trong cuộc sống để hơn ai hết chính mình đã thành một tấm gương sáng của một con người cụ thể, một bằng chứng sống có sức lay động, thuyết phục hơn những lời giáo huấn theo lối truyền thống thông thường mà học sinh thường gọi là “giảng đạo” điều này còn giúp cho học sinh và cả giáo viên tin tưởng dễ gần gũi cảm thông và chia sẻ nhau hơn theo kiểu “chia sẻ của người cùng hoàn cảnh”.

Cố nhiên không có nghĩa là có bao nhiêu hoàn cảnh hình thành cá tính, hành vi của học sinh, giáo viên phải xâm nhập, tìm hiểu hết, mà ở đây giáo viên cần xâm nhập tìm hiểu những vấn đề mang tính đặc trưng cơ bản, cốt lõi có tính chất trọng yếu nhất để đưa ra giải pháp giáo dục chung cho tất cả học sinh và đồng thời hợp lý, phù hợp với từng hoàn cảnh, mà ở đó người giáo viên trở thành hình mẫu giáo dục chung cho tất cả học sinh trong đó có học sinh cá tính.

Cùng chung tay, chung sức, chung lòng: Việc giáo dục học sinh cá tính sẽ không thành công nếu một mình giáo viên đơn độc thực hiện mà ở đây giáo viên chủ nhiệm cần kết hợp với các tổ chức tự quản của lớp, tổ chức đoàn thể, lãnh đạo trường, hội cha mẹ, gia đình, bạn bè của học sinh để cùng có tác động tạo cộng lực tăng thêm “sức mạnh” trong việc thuyết phục giáo dục học sinh.

Chung tay, chung sức, chung lòng giáo dục học sinh chỉ phát huy tác dụng khi giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy, cô giáo được phân công giáo dục học sinh cá tính phải có phương pháp và nghệ thuật phối hợp để cùng tác động. Vậy nên giáo viên cần lựa chọn đối tượng phối hợp và xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện cụ thể, “kế hoạch” ở đây là những dự định, dự kiến công việc giáo viên phải thực hiện và những việc cần phối hợp, không nên thực hiện một kế hoạch cứng nhắc theo kiểu quy trình, văn bản, với cách triển khai thực hiện theo kiểu “hành chính hóa” mà cần linh hoạt chủ động, thiết thực với từng hoàn cảnh, đặc điểm của học sinh.

Những điều luôn ghi nhớ: Giáo dục là quá trình lâu dài vừa là một công việc mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật, tính chuẩn mực, mô phạm cao. Vì vậy, đòi hỏi người làm công tác giáo dục đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần luôn không ngừng học tập vươn lên về kiến thức chuyên môn, kiến thức bổ trợ thuộc chuyên ngành tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi, kiến thức xã hội, kỹ năng xử lý tình huống…

Không những thế thầy cô giáo phải có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, có hành vi ứng xử với mọi người trong xã hội, đồng nghiệp, phụ huynh một cách mẫu mực, có tác phong, phong cách giản dị, hòa đồng, gần gũi dễ tiếp cận nhưng không buông thả, có đức tính kiên trì nhẫn nại, biết kiềm chế sự nóng giận… để làm chủ mọi hoàn cảnh trong việc giáo dục học sinh cá tính. Nói cách khác ở điểm này giáo viên luôn ghi nhớ mình là một “nhà giáo” để tự rèn mình và luôn luôn ý thức trách nhiệm với việc giáo dục học sinh bằng chính “tâm”, “tài” và cái “đức” của giáo viên.

Giáo dục là một quá trình lâu dài đòi hỏi người làm công tác giáo dục đặc biệt là giáo dục học sinh cá tính phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, có đầy đủ sự yêu thương, nhiệt huyết, giỏi về kiến thức chuyên môn, liên môn, hiểu biết trải nghiệm thực tế cuộc sống xã hội, có sự gần gũi cảm thông với học sinh, có phương châm “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Từ đó luôn thôi thúc giáo viên trăn trở, tìm tòi đề ra phương pháp giáo dục, thuyết phục học sinh của mình bằng chính tấm lòng sự thương yêu chia sẻ theo suy nghĩ, cảm xúc của học sinh. Có như thế giáo viên mới có thể thuyết phục cảm hóa học sinh cá tính bằng chính tình cảm và nhân cách của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ