Công đoàn ngành GD Hà Nội: Kịp thời phát hiện và nhân rộng gương điển hình tiên tiến

GD&TĐ - Ngày 18/9, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn năm học 2019 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021.

Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn
Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam; Ngô Văn Tuyến - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm học 2019 - 2020, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Đỗ Văn Nam cho biết: Ngành GD-ĐT Hà Nội hiện có 2.746 trường học và các cơ sở giáo dục với 155.323 cán bộ giáo viên, nhân viên cùng hơn 2 triệu học sinh. Tổng số công đoàn cơ sở trực thuộc là 181 đơn vị với tổng số 11.686 đoàn viên (trong đó có 9.044 đoàn viên nữ).

Năm học vừa qua, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo hoạt động; nắm chắc tình hình, có nhiều giải pháp thiết thực, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác. Hoạt động công đoàn linh hoạt, kịp thời và phù hợp, nhất là trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ giáo viên, nhân viên được quan tâm, chăm lo và cải thiện hơn; việc động viên, hỗ trợ cho các nhà trường và nhà giáo khó khăn được thực hiện kịp thời. Nền nếp, kỷ cương trong các đơn vị, trường học được tăng cường; đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong xây dựng các tập thể nhà trường vững mạnh, dân chủ, đoàn kết và đổi mới.

Cũng trong năm học này, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn; từ đó xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn Ngành.

Ngoài ra, năm học 2019-2020, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, trong đó chú trọng xây dựng chương trình công tác; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành công đoàn.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp; trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở thông qua việc tập huấn, kiểm tra, thường xuyên trao đổi thông tin, xây dựng mối quan hệ với các cơ quan chứng năng và các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho công đoàn cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Công tác nữ công có nhiều đổi mới. Công tác quản lý, tài chính công đoàn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhiều hoạt động do Công đoàn Ngành tổ chức đã có sức lan tỏa trong hệ thống công đoàn giáo dục các cấp cũng như trong xã hội, có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới của tổ chức Công đoàn và của ngành Giáo dục Thủ đô; củng cố và nâng cao vị thế của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Hợp c- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã đạt được trong năm học 2019-2020.

Bước vào năm học mới 2020-2021, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cần khắc phục những tồn tại, hạn chế; phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đã đề ra và bổ sung những nhiệm vụ mới do phát sinh, điều kiện thực tiễn đem lại.

Tổ chức công đoàn phải xác định được trách nhiệm của mình, từ đó tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động; tiếp tục chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên; xây dựng môi trường làm việc văn minh, dân chủ, thân thiện và sáng tạo trong các nhà trường; kịp thời phát hiện và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.

Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, nhận xét của Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và khẳng định thời gian tới, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo công đoàn cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ