Cô giáo “thuần dưỡng” hàng chục giống lan rừng

GD&TĐ - Sau 5 năm nghiên cứu và đi khắp nơi học hỏi, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nhung (Trường THPT Yên Khánh A, Ninh Bình) cùng 2 học trò đã phát triển được 2 giàn gồm 30 loại lan rừng thích nghi tốt với khí hậu Ninh Bình, bước đầu mang lại nguồn lợi kinh tế.  

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nhung và  học trò bên giàn lan rừng được “thuần dưỡng” thành công.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nhung và học trò bên giàn lan rừng được “thuần dưỡng” thành công.

Niềm đam mê đặc biệt

Từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nhung đã đam mê cây cỏ, đặc biệt là hoa lan. Khi chuyển công tác từ Tuyên Quang về Ninh Bình, cô giáo trẻ nung nấu phải tạo dựng cho mình một giàn hoa lan mang từ núi rừng về đồng bằng để thỏa mãn niềm đam mê.

Năm 2012, bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết về các giống lan; khí hậu, địa chất tại huyện Yên Khánh; kỹ thuật chăm sóc các giống lan, cô Nhung đồng thời đi học hỏi rất nhiều nhà vườn ở khắp nơi. Năm 2017, quá trình “thuần dưỡng” lan rừng của cô Nhung còn có sự tham gia của 2 học trò Đỗ Quang Minh, Nguyễn Huy Hùng bởi có cùng niềm đam mê.

Vì là dân không chuyên nên hành trình thuần dưỡng lan của 3 cô trò gặp không ít khó khăn. Lan là loài ưa mát, trong khi khí hậu Ninh Bình nắng gió thay đổi thất thường nên việc thuần hóa lan không dễ dàng. “Cô trò ban đầu loay hoay với kỹ thuật thuần hóa, ghép lan. Có lúc mua tất cả các giống lan và ghép, nhưng do kỹ thuật chăm sóc chưa tốt nên lan chết rất nhiều, hoặc phát triển thì lại không ra hoa” – cô Nhung chia sẻ.

Cùng với chuyên môn Hóa học, cô Nhung có thể nói chuyện cả ngày về hoa lan. Cô nói về lan Phi điệp - loài hoa mình thích nhất: Đây là loài hoa kỳ diệu bởi thân lá buông rủ như bức rèm, mành; sắc hoa thì đa dạng phong phú, từ tím đậm, tím nhạt đến hồng, trắng, mỗi vùng miền lại có vẻ đẹp riêng, khi thích nghi với môi trường mới lại tạo ra những khuôn bông riêng.

Kể câu chuyện về giống lan khiến 3 cô trò vất vả, kỳ công nhất, cô Nhung nhắc đến lan Đai châu. Loài hoa này nở dịp Tết Nguyên đán, ra rễ chậm, ưa mát, ẩm, dễ mắc nấm. Muốn cây ra rễ, có khi cả tháng trời phải treo ngược, giữ ẩm hàng ngày; khi cây nhú rễ mới bắt đầu mang ghép vào giá thể để tạo dáng.

Cô Nhung cho biết: Muốn có một giò lan Đai châu đẹp, phải chọn được giá thể đẹp, cây giống đẹp, không bị lỗi lá, vặn lá, cây có lá mọc đối xứng, lá xếp, bản lá càng to càng đẹp, hoa càng dài và sai. Khi đã ghép xong, không phải treo chỗ nào cũng được mà cần tránh nắng mạnh để lá Đai châu không bị bỏng cháy.

Tưới nước cũng hết sức cẩn thận, nếu nước đọng đầu ngọn dễ bị thối, mất giá trị giò hoa. Nhiều khi mưa xong vẫn phải tưới cây để tránh nước mưa chứa axit đọng đầu ngọn. Cô và trò phải chuyển vị trí giò Đai châu liên tục mới chọn được một vị trí thích hợp để cho cây phát triển tốt mà lại tránh được bệnh.

Kiên trì và bền bỉ như vậy, đến nay, thành quả của 3 cô trò là giàn lan 2 tầng rất đẹp với 30 loại lan rừng thích nghi tốt với khí hậu Ninh Bình. Những nghiên cứu kỳ công của cô trò cũng được trình bày trong đề tài nghiên cứu tham gia giải sáng tạo trẻ cấp tỉnh Ninh Bình và đang được đề xuất đầu tư hỗ trợ công nghệ và vốn để mở rộng mô hình.

Tiếp tục thuần dưỡng

Cô Nhung cho biết: Trên địa bàn huyện Yên Khánh chưa có dự án nào nghiên cứu và phổ biến kiến thức cho người chơi hoa lan. Mọi hoạt động trồng và chăm sóc lan còn mang tính tự phát, hiệu quả chưa cao. Nhiều người chơi lan mất nhiều tiền của, thời gian thuần hóa và chăm sóc, nhưng tỉ lệ lan chết rất nhiều; có loại sống được nhưng phát triển kém, có loại phát triển tốt lại không ra hoa.

Ngoài ra, người chơi thường lạm dụng phân bón hóa học để bón cho hoa lan, vừa không mang lại hiệu quả, lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình. Về phía người bán không tư vấn cho người chơi cách trồng, cách chăm sóc, cũng như đặc tính các loại lan xem có phù hợp với vùng miền hay không mà chỉ chạy theo lợi nhuận.

“Cách làm của chúng tôi: Trước tiên là tìm mua các giống lan, lựa chọn giá thể ghép, nguyên vật liệu trồng, phân bón. Xử lý giống sau 1 tháng thuần khí hậu tiến hành ghép lên giá thể, chăm sóc, theo dõi khả năng sinh trưởng, phát triển và thích nghi của cây tại vườn nhà. So sánh đánh giá khả năng thích nghi và chọn ra các giống lan tốt nhất để nhân rộng trồng và phát triển. Bên cạnh đó, tôi luôn tìm tòi cách chăm sóc lan, làm sao hạn chế được lượng phân bón hóa học, tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường” – cô Nhung chia sẻ.

Từ những kinh nghiệm này, đến nay, 2 giàn hoa lan với 30 loại lan rừng của cô Nhung và học trò đã bước đầu mang lại nguồn lợi kinh tế. Khách hàng luôn được cô tư vấn về kỹ thuật chăm sóc hoa. Với kiến thức Hóa học, cô cũng bước đầu tự chủ về nguồn phân bón bằng cách tận dụng từ phân trâu bò, dê để chăm sóc cho cây, cung cấp cho người chơi lan trên địa bàn.

Không còn nằm trên giấy, nghiên cứu của cô trò Trường THPT Yên Khánh A đã đi vào thực tiễn, được nhiều người chơi lan trên địa bàn Yên Khánh cũng như tỉnh Ninh Bình biết đến. Nguồn thu được từ việc bán các giò lan thuần hóa, cô Nhung và học trò lại sử dụng để tiếp tục nghiên cứu đề tài, thỏa mãn niềm đam mê thuần hóa được nhiều giống lan cho hoa đẹp, phát triển tốt thích nghi với điều kiện địa phương.

Bên cạnh đó, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, thuần hóa cho người chơi, tạo nên một nét đẹp văn hóa, gắn kết cộng đồng; đồng thời thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng như tỉnh Ninh Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ