Chuyện học ở Phiêng Lằm

GD&TĐ - Ở Phiêng Lằm xa xôi, các cô giáo vẫn ngày ngày miệt mài đứng lớp ghép. Học sinh trong làng không ngại vượt dốc đá, xa gia đình để từng bước hướng đến tương lai tươi sáng hơn…

 Lớp ghép các khối 3, 4, 5 ở điểm trường Phiêng Lằm.
Lớp ghép các khối 3, 4, 5 ở điểm trường Phiêng Lằm.

Cháy bỏng khát vọng

Phiêng Lằm là thôn vùng cao thuộc xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao và Tày. Người dân ở đây còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào ruộng, nương và tự cung tự cấp. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các em nhỏ nơi đây nỗ lực vươn lên, miệt mài bên trang sách và nuôi dưỡng ước mơ về ngày mai tươi sáng.

Dẫn chúng tôi đến điểm trường Phiêng Lằm là cô Ma Thị Thân, giáo viên đã dạy học ở thôn Phiêng Lằm hơn 10 năm và mới chuyển xuống trường chính 3 năm gần đây. Điểm trường với ba lớp học tách biệt ở ngọn đồi thoai thoải. Đang giờ ra chơi, học sinh vui đùa hớn hở, vài gương mặt ngơ ngác khi có người lạ đến. Đây là nơi học tập của 8 bé mẫu giáo và 19 em trong độ tuổi tiểu học. 

Hiện, chỉ có một lớp mẫu giáo học chung, còn bậc tiểu học được chia thành lớp ghép 1+2 và lớp ghép 3+4+5. Vào giờ học, các em được chia thành từng nhóm nhỏ, quay lưng với nhau và chăm chú vào bài tập của mình. Cô giáo liên tục di chuyển giữa những tấm bảng, giảng bài mới, ôn kiến thức cũ, giao bài tập… 

“Điều kiện học tập ở Phiêng Lằm còn rất nhiều thiệt thòi. Nhưng so với trước đây thì hiện nay tốt hơn rất nhiều. Những năm trước, thời điểm chúng tôi mới lên nhận công tác, còn phải đi vận động từng nhà cho các em đến trường, khi ấy chỉ có lớp 1, lớp 2. Thế mà nhiều em ham học, đến lớp 3 rủ nhau đi bộ gần 5 cây số xuống xã để học tiếp. Ngày ấy không có đường như bây giờ, phải men theo lối mòn đường rừng để đi. Chúng tôi lên dạy học phải đi bộ, từ sáng sớm sương mờ mịt” - cô Thân nhớ lại.

Chia sẻ về công việc đứng lớp ở đây của mình, cô giáo trẻ Ma Thị Mây cho biết: “Ban đầu mới lên đường đi khó quá, tôi bị ngã xe, vừa đau vừa tủi thân. Lúc ấy cũng buồn lắm, tôi từng có ý định thôi không dạy nữa. Nhưng ở đây một thời gian với các em, yêu mến sự chân thành, tốt bụng của bà con, tự nhiên bây giờ lại muốn gắn bó lâu dài”.

Cô Mây cho biết, các em học sinh ở đây ngoan ngoãn, nhưng điều kiện học tập chưa được tốt nên sức học chỉ ở mức trung bình. Cô mong đường đi lại thuận lợi để các em lớp 3 có thể xuống trường chính học, được tiếp xúc với môn Tiếng Anh. Có như vậy khi các em vào cấp II sẽ không bị thiệt thòi. 

Cô và trò như những người thân trong gia đình, cùng chăm sóc vườn hoa nhỏ.
Cô và trò như những người thân trong gia đình, cùng chăm sóc vườn hoa nhỏ.

Thay đổi trong nhận thức

Bắt đầu lên đến cấp 2, học sinh trong làng bắt đầu cuộc sống tự lập để đi học cách thôn 11km; cấp 3 thì phải xuống thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn), thuê lán trọ (ở từ 3 - 5 người). Thông thường những ngày cuối tuần các em sẽ về phụ giúp bố mẹ và sau đó mang gạo, rau từ nhà xuống để tiếp tục cho những ngày tháng nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Trưởng thôn Hoàng Thế Minh tự hào cho biết: Bà con nắm được tầm quan trọng của cái chữ, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng quyết tâm đi học. Từ trước khi chưa có lớp học, ở đây còn hiện tượng học hết cấp 1 là phải bỏ học, vì khi ấy đời sống còn khó quá, trẻ con cũng phải giúp đỡ việc nhà. Nhưng bây giờ khác rồi, hết cấp 1 mới phải đi học xa, đi ở trọ, lâu lâu về nhà một lần. 

Phiêng Lằm là thôn đặc biệt khó khăn, nên học sinh được Nhà nước hỗ trợ gạo, miễn học phí… Dù còn nhiều khó khăn nhưng gia đình nào cũng cố gắng động viên con em đến trường. Người dân cũng hiểu rằng, nếu có kiến thức thì kể cả lao động chân tay cũng sẽ đỡ vất vả hơn.

“Em nghe người lớn kể ngày xưa đi học khổ lắm, thế mà nhiều cô, chú, anh, chị ở thôn em vẫn học tốt, bây giờ được đi làm cán bộ ở tỉnh, ở xã. Chúng em bây giờ đỡ hơn nhiều rồi, thế nên ai cũng quyết tâm cố gắng học, để sau này thành người có ích, giúp đỡ cho quê hương” - em Hoàng Thị Huệ, học sinh lớp 8 chia sẻ. 

Càng tìm hiểu, chúng tôi càng khâm phục việc dạy và học của cô trò nơi đây. Mong sao trong thời gian tới, việc học ở bản vùng cao Phiêng Lằm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ hơn nữa, để các em không còn phải học ở lớp ghép, để con đường đến tương lai của các em bớt gập ghềnh hơn.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.