Chuyện học ở Hầu Thào

GD&TĐ - Sau 5 năm thực hiện chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP), Trường tiểu học Hầu Thào (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Chuyện học ở Hầu Thào

Dù điều kiện địa phương còn khó khăn song với sự quyết tâm của Ban giám hiệu, mô hình dạy học cả ngày mà chất lượng giáo dục tiểu học được tăng lên, góp phần thúc đẩy giáo dục của Hầu Thào phát triển cách toàn diện.

Học cả ngày giúp sắp xếp khoa học khối lượng học tập

Hầu Thào là một xã nghèo vùng cao thuộc đối tượng 135 khó khăn, nằm cách trung tâm thị trấn Sapa 9km về phía Tây, địa hình hết sức phức tạp, chủ yếu là đất dốc và núi đá. Dân cư sống không tập trung, do vậy học sinh đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa rét. Thêm nữa, hoàn cảnh gia đình của các em học sinh đa số là khó khăn, tỉ lệ học sinh thuộc diện nghèo là 60%.

Thầy Đỗ Thanh Hải - Hiệu trưởng trường tiểu học Hầu Thào - chia sẻ: Sau một thời gian triển khai chương trình dạy học cả ngày, đa phần các em học sinh Trường tiểu học Hầu Thào đều háo hức đến trường. Việc sắp xếp một cách khoa học khối lượng học tập xen kẽ theo tỉ lệ 50/50 kiến thức chính khóa và ngoại khóa, ưu tiên môn tiếng Việt và Toán, giúp các em học sinh dễ tiếp thu bài, đỡ căng thẳng.

Trường gồm có có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ ở 3 thôn của xã. Ở cả 3 điểm thôn đều có đủ các lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Trường được công nhận trường  đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2011, sau khi tham gia SEQAP. Năm học 2015-2016, nhà trường có tổng số 458 HS, trong đó có 223 HS nữ, 100% học sinh dân tộc.

Trước khi triển khai SEQAP, Ban Giám hiệu nhà trường nhận thức được rằng nếu học sinh có nhiều thời gian học tập hơn thì kết quả học tập sẽ cao hơn. Khi tham gia SEQAP năm học 2011-2012, nhà trường đã lựa chọn mô hình T30 (học 30 tiết/tuần) cho phù hợp với  điều kiện của nhà trường (vì tỉ lệ GV/lớp dưới 1,5 và tỉ lệ phòng học mới chỉ đạt 0,8p/lớp).

Dạy học cả ngày (FDS) được thực hiện ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 trong toàn trường. Thời gian sau đó được SEQAP hỗ trợ đủ phòng học với tỉ lệ 1p/lớp,0, nhà trường quyết định chuyển sang thực hiện mô hình T.35 (tổ chức cho HS học 10 buổi/tuần). Mô hình này hoàn toàn phù hợp với sự chỉ đạo chung của ngành, dạy học tăng buổi để nâng cao chất lượng giáo dục đã nhận được sự đồng thuận của tập thể giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Trước khi thực hiện FDS thời khóa biểu ở lớp 1, 2, 3 chỉ có từ 22-23 tiết/tuần; còn ở lớp 4 và 5 thì chỉ 24/tuần. Còn hiện nay, với số tiết học đã tăng lên 35 tiết/tuần, dạy học 2 buổi/ngày tất cả các ngày trong tuần, số giờ lao động và thời gian giảng dạy của giáo viên tăng lên. Mỗi ngày, thời khóa biểu không quá 7 tiết/ngày đã giúp cho nhà trường ổn định được các tiết dạy phối hợp với các hoạt động giáo dục.

Thời khóa biểu được nhà trường sắp xếp theo hình thức xen kẽ theo tỉ lệ 50/50 kiến thức chính khóa và ngoại khóa, ưu tiên môn Tiếng Việt và Toán, giúp các em học sinh dễ tiếp thu bài, đỡ căng thẳng. Thời gian còn lại, trường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, thực hành trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

 

Thúc đẩy giáo viên sáng tạo

Một nguyên nhân giúp nhà trường thực hiện thành công dạy học cả ngày, đó là sự chủ động, sáng tạo, tận tâm của đội ngũ giáo viên trong công tác chuẩn bị nội dung hợp lí cho mỗi lớp.

Giáo viên có thể điều chỉnh thời gian dạy học của các tiết trong mỗi buổi học cho phù hợp với từng môn, từng bài để đảm bảo hiệu quả, không nhất thiết tiết học nào cũng dạy đúng 35 phút, mà thời gian dạy học được sắp xếp linh hoạt hơn.

Với buổi học thứ hai cũng được coi như là buổi học chính khóa được bố trí phù hợp, tăng cường môn Tiếng Việt và Toán; giúp đỡ học sinh chưa đạt yêu cầu hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu; dạy các môn học tự chọn (Tin học, Ngoại ngữ), các môn chuyên biệt, các môn ít tiết,  tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm sáng tạo, Thể dục thể thao, chơi trò chơi dân gian, thành lập các đội tuyển câu lạc bộ để bồi dưỡng học sinh năng khiếu, như đội tuyển câu lạc bộ Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt…

Với các hoạt động ngoài giờ lên lớp, khi chưa tham gia chương trình  SEQAP thời gian dành cho hoạt động đội và các hoạt động giáo dục khác thiếu, nên phải lồng ghép, hiệu quả không cao.
Sau khi tham gia vào chương trình SEQAP, thời lượng dành cho hoạt động ngoài giờ lên lớp và trải nghiệm sáng tạo tăng lên hơn 3 tiết.

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp này cùng, với văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động Đội, Sao nhi đồng... được tổ chức theo điều kiện cụ thể của từng điểm trường và đảm bảo thiết thực, phù hợp với học sinh. 

Với đặc thù học cả ngày, lại được SEQAP hỗ trợ nên nhà trường đã tổ chức cho các em ở xa trường và học sinh gia đình nghèo được ăn trưa tại trường. Trước đây chỉ có rất ít học sinh mang cơm đi ăn trưa, nay gần như 100% học sinh mang cơm đi ăn trưa, còn trường tổ chức nấu thức ăn cho các em học sinh.

Do không có điều kiện cho học sinh nghỉ trưa, tại điểm trường chính còn tổ chức cho các em xem ti vi, đọc sách tại thư viện, chơi các trò chơi dân gian, chơi tự do… và có dưới sự quản lí và hướng dẫn của giáo viên.

Từ khi thực hiện FDS các em học sinh rất thích đến trường. Việc học cả ngày giúp các em học và hiểu bài ngay tại lớp. Bên cạnh đó, việc được ăn trưa, học ngoài giờ lên lớp, được trải nghiệm và vui chơi cùng các bạn hoặc đọc truyện, xem phim tùy theo nhu cầu của các em cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em thích đến trường.

Góp phần thực hiện thành công mô hình dạy học cả ngày ở nhà trường không thể thiếu sự đóng góp và thấu hiểu được ý nghĩa việc daỵ học cả ngày của phụ huynh học sinh. Qua đó thấy được công tác tuyên truyền về mô hình dạy học cả ngày đến phụ huynh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.