Chuyên gia “bật mí” phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho tân sinh viên

GD&TĐ - Không ít tân sinh viên bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học tập hoàn toàn mới, khác xa với môi trường học phổ thông. Thay vì được giáo viên kèm cặp, các tân sinh viên phải làm quen với phương pháp tự học và nghiên cứu.

Các tân sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục.
Các tân sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục.

Do vậy, các em cần có kế hoạch và phương pháp hợp lý để không bị lệch hướng và đạt kết quả cao nhất trong quá trình học.

Thích nghi với phương pháp học tập mới

Đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có trên 7.000 tân sinh viên nhập học. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng Phòng đào tạo, có hai điều tân sinh viên cần lưu ý: Thứ nhất là phương pháp học tập; thứ hai là phương pháp lập kế hoạch học tập.

Theo đó, các em cần lập cho mình một kế hoạch học tập trong suốt quá trình học; trong đó có kế hoạch đạt mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Ngắn hạn là theo từng học kỳ, từng môn học còn dài hạn là cả khóa học.

“Việc lập kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài việc bảo đảm tính khả thi; các em cần có giải pháp khắc phục nếu như kế hoạch bị lệch hướng” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền trao đổi.

Về phương pháp học tập, PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ: Không giống như học phổ thông; ở bậc ĐH, các em cần chú ý phương pháp tự học, tự nghiên cứu theo định hướng của giảng viên. Việc lựa chọn tín chỉ cũng cần được lưu ý.

Các em có thể lựa chọn các môn học tùy theo khả năng của mình. Ngoài ra, các em cũng có thể học nhanh, học chậm trong khuôn khổ cho phép. Nếu các em có khả năng thì đăng ký nhiều tín chỉ hơn. Còn nếu không chắc chắn thì có thể đăng ký trong khuôn khổ từ 14 - 24 tín chỉ. Các em nên học theo chương trình chuẩn được thiết kế.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) cho hay, hiện nay các trường thường tổ chức đào tạo theo tín chỉ. Vì vậy, việc đầu tiên là các tân sinh viên phải hiểu mình mong muốn gì và cân nhắc trước khi đăng ký các môn học, không nên đăng ký quá nhiều dẫn đến quá sức của mình.

Cũng theo TS Lê Xuân Thành, các tân sinh viên cần nhanh chóng thích nghi với phương pháp học tập mới. Các em phải đọc kỹ tài liệu học tập để hiểu môn học đó cần những kiến thức gì làm nền tảng. Từ đó mới có thể có thể học tập tốt.

Ở bậc đại học, các em sẽ phải phát huy tính tự giác cao, nhất là ý thức tự giác học tập. Đồng thời có chiến lược ôn thi để đạt kết quả cao.

Tự quản lý mình

Hòa đồng nhanh sẽ giúp tân sinh viên bắt nhịp với yêu cầu học tập mới. Ảnh: NT.
 Hòa đồng nhanh sẽ giúp tân sinh viên bắt nhịp với yêu cầu học tập mới. Ảnh: NT.

Cho rằng, bước vào giảng đường đai học, các tân sinh viên sẽ phải học tập trong môi trường hoàn toàn mới, GS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh: Lúc này, các em hầu như phải tự học, tự làm việc. Điều quan trọng là các em phải tự quản lý mình.

Các thầy, cô giáo sẽ đồng hành cùng các em nhưng luôn để cho các em tự do và tự quyết định. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa là thách thức đối với các tân sinh viên. Vì thế, các em phải quản lý tốt thời gian của mình, bắt nhịp ngay với phương pháp mới và tự tìm ra phương pháp học tập hiệu quả nhất đối với mình.

Theo GS Phạm Quang Trung, sự cần mẫn chăm chỉ là cần thiết nhưng chưa đủ. Các em cần quan tâm đến phương pháp học tập tốt. Ở bậc ĐH, có thể giảng viên giới thiệu rất nhanh về giáo trình hoặc 1 chương của giáo trình nào đó, việc còn lại là các em phải đọc tài liệu.

Dẫn giải câu chuyện từ thực tế, GS Phạm Quang Trung cho hay: Có một nhà lãnh đạo tập đoàn rất lớn của nước Mỹ. Ông là một trong những người có thể điều khiển cả hệ thống tài chính thế giới. Ông là tỷ phủ của cường quốc này.

Khi có một nhà báo hỏi: Thưa ông, tôi không hiểu tại sao ông lại có thể làm việc như vậy suốt mấy chục năm. Bây giờ ông đã bước sang tuổi 80 mà ông vẫn có cường độ làm việc ghê gớm như vậy. Nhà tỷ phú nói: Bạn hỏi hay nhỉ?! Trong suốt cả cuộc đời, tôi chưa thấy phải làm việc một ngày nào. Tất cả cuộc đời tôi đều là những ngày vui chơi.

“Như vậy, người ta say mê học hành, say mê làm việc tới mức độ tất cả đều là những ngày vui. Vì vậy, nếu các em biến những ngày học tập của mình thành những niềm vui như thế thì sẽ không thấy bị sức ép. Chăm chỉ, cần cù là chúng ta đã có được 50 - 60% của thành công. Phần còn lại là những yếu tố khác.

Các em sống trong thời đại 4.0, các em không cần nhớ quá nhiều, thậm chí không cần nhớ mọi thứ mà chỉ cần nhớ một số điều cơ bản và biết cách tìm ra thông tin” - GS Phạm Quang Trung nhấn mạnh, đồng thời nhắn nhủ: Ngày nay, sinh viên không chỉ giỏi về kiến thức mà còn có kỹ năng để thích ứng với cuộc sống mới.

“Với hệ thống đào tạo tín chỉ như hiện  nay, các em phải lưu ý trong việc lựa chọn môn học. Tránh tình trạng có những sinh viên, số tín chỉ thấp và không đủ điều kiện theo quy định. Bản thân các em phải luôn luôn có gắng, các em tích lũy thật nhiều kiến thức, kỹ năng, trau dồi phẩm chất, đạo đức và phải chăm ngoan lễ phép, nhưng cũng cần thông minh, sáng tạo” -  GS Phạm Quang Trung.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ