Thầy hiệu trưởng kêu gọi sinh viên hành động để "thay đổi cách nhìn về nhà giáo"

GD&TĐ - Trong lễ khai giảng năm học 2019-2020 sáng nay (10/9), GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đã có bài phát biểu truyền cảm hứng; trong đó có gửi gắm mong mỏi các sinh viên hãy bằng hành động và việc làm để thay đổi cách nhìn về nhà giáo.

GS Nguyễn Văn Minh phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Trường ĐHSP Hà Nội sáng 10/9.
GS Nguyễn Văn Minh phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Trường ĐHSP Hà Nội sáng 10/9.

Chia sẻ với trên 2.000 tân sinh viên dự khai giảng, GS Nguyễn Văn Minh tâm tư về việc có lẽ còn đâu đó những điểm mờ trong bức tranh giáo dục đất nước và mong mỏi các sinh viên hãy nhận diện và làm cho nó sáng lên; Đâu đó còn có cách nhìn về nhà giáo một cách chưa đúng mực, hãy bằng hành động và việc làm để thay đổi cách nhìn.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Giáo dục giản đơn như chân lý, vì rằng mọi sự trưởng thành của mỗi con người đều phải qua giáo dục của nhà trường và người thực hiện thiên chức đó là người thầy.

Hãy nỗ lực để trở thành một người thầy đúng nghĩa, xã hội hãy chung tay vì một sự nghiệp vinh quang. Đừng đòi hỏi sự thừa nhận khi chính chúng ta làm chưa tốt thiên chức của mình; và vì vậy, bền bỉ rèn luyện, nỗ lực học tập, trau dồi nghề nghiệp là tiền đề cho thành công tương lai.

“Thầy không muốn các em quan niệm mình là người lái đò trên bến vắng mà hãy là người của thời đại, người dẫn dắt trí tuệ và tâm hồn, là ngọn hải đăng rực sáng để những con tàu sừng sững ra khơi” – GS Nguyễn Văn Minh gửi gắm đến học trò.

Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội trong đồng phục áo dài trắng dự lễ khai giảng.
 Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội trong đồng phục áo dài trắng dự lễ khai giảng.

Nhắn nhủ đến các tân sinh viên của mình, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Từ hôm nay, các em không đơn thuần là người hưởng thụ các giá trị, các thành quả của loài người, của bao thế hệ, mà hãy bắt đầu tạo ra các giá trị mới mẻ và bồi đắp các giá trị cho tương lai.

Nhưng trước khi mơ xa hãy biết nắm lấy tay gần; biết sẻ chia và đồng cảm, biết thương, biết yêu và biết cả những nỗi đau. Động lực cao cả nhất của hành động phải xuất phát từ tình yêu thương và khát vọng cống hiến.

Sức mạnh đầu tiên là sức mạnh ý chí, nhưng điều đó chưa đủ mà cần ý chí của những người thông minh và trách nhiệm… Đến lúc, các em đủ để mở rộng khái niệm thông minh trong cuộc đời rộng lớn này.

Đó không phải chỉ giản đơn mộng mơ trên những áng văn hoa mỹ, không chỉ là những lời giải thật hay cho những bài tập quá khó mà đó là trang giấy trên bàn nối mong ước ngoài đời.

Bản lĩnh và ý chí của con người được hình thành qua giáo dục và hoạt động thực tiễn. Không ai khác mà chính là các em sẽ đảm đương trọng trách cao cả và vinh quang đi nuôi dưỡng ý chí cho tương lai trong một ngày không xa.

Nguyễn Thuận Hưng - Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế - thay mặt các tân sinh viên phát biểu tại lễ khai giảng.

Nguyễn Thuận Hưng - Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế - thay mặt các tân sinh viên phát biểu tại lễ khai giảng.

Hãy mở toang cái đầu ra để đón những luồng suy nghĩ mới của thời đại. Sự vụn vặt, tiểu tiết trong tư duy cần loại bỏ ngay. Các em là công dân của thời đại hiện đại. Điều đau đáu là chúng ta vẫn để đất nước còn nghèo. Có khi nào trong khoảng nghĩ suy của các em vọng lên những điều trăn trở để dốc lòng cho một tương lai?

Một đất nước cường thịnh là do mỗi công dân chung tay tạo dựng. Cần thấm thía rằng, sức mạnh ngày nay phải là sức mạnh trí tuệ và hiện thực hóa điều đó bằng một nền giáo dục tiến bộ, và vận hành nó bằng những chủ nhân có đủ tài năng.

Chính các em là những chủ nhân đó. Giáo dục để tạo ra sức mạnh, tạo ra những con người chiến thắng trong tương lai, và sức mạnh phải được tạo ra từ khối óc, bàn tay và lòng quả cảm.

Cho dẫu vật chất chưa quá đủ đầy, nhưng đừng để cả tâm hồn phải đành lòng nghèo đói, đừng để tình yêu thương vơi bớt trong lòng.

GS Nguyễn Văn Minh trao thưởng cho các tân sinh viên xuất sắc.
GS Nguyễn Văn Minh trao thưởng cho các tân sinh viên xuất sắc.

Người đứng đầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ 5 công việc lớn nhà trường sẽ tập trung trong năm học mới, đó là: Xây dựng khối đoàn kết thực sự trong nhà trường, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ và sinh viên; Triển khai chương trình mới của nhà trường; Chủ động thực hiện các công việc đáp ứng yêu cầu đổi mới một cách thiết thực, hiệu quả; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đánh giá cán bộ; Tạo điều kiện hơn nữa để sinh viên được quyền tham gia nhiều hơn các hoạt động của nhà trường.

Tại lễ khai giảng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng trao thưởng cho các tân sinh viên xuất sắc, gồm thủ khoa, sinh viên được tuyển thẳng và xét tuyển thẳng vào trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ