Cha mẹ kỳ vọng, giáo viên khó xử

GD&TĐ - Một trong những lý do khiến Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland… luôn nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất là vì cuộc sống của người dân không quá căng thẳng, con người không phải chịu nhiều sức ép bất kể là từ đâu - gia đình, nhà trường, nơi làm việc hay dư luận xã hội. 

Hãy để áp lực đứng ngoài nỗ lực trẻ thơ. (Ảnh minh họa)
Hãy để áp lực đứng ngoài nỗ lực trẻ thơ. (Ảnh minh họa)

Ở những quốc gia này, học sinh không phải chịu sức ép về điểm số, kết quả học tập, điểm số cũng chỉ học sinh đó và mỗi giáo viên cho điểm biết, không công khai trước lớp hay toàn trường. Các em có thể học giỏi, bình thường hay kém cũng không hề bị nhà trường hay thầy cô tạo áp lực và nhất là bố mẹ thì càng không. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nếu muốn học tiếp lên đại học thì học, không thì đi học trường nghề hay thậm chí đi làm những nghề bình thường trong xã hội như lau chùi, phục vụ trong nhà hàng, rửa bát... cũng chẳng sao.

Phần lớn trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em ở các thành phố lớn, từ khi đi học mẫu giáo cho tới suốt những năm đi học cấp tiểu học, THCS, THPT, rồi đại học phải liên tiếp sống trong sự kỳ vọng này của cha mẹ. Có những em khi lớn lên thậm chí không biết mình muốn gì, cần gì trong cuộc đời.

Một giáo viên Trường Lương Thế Vinh xót xa: “Trong hơn chục năm làm giáo viên chủ nhiệm, tôi đã gặp quá nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng cực đoan vào con cái. Bản thân họ lúc nào cũng cau có với con, làm con mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ. Kỳ vọng ấy khiến giáo viên chúng tôi cũng cảm thấy khó xử. Tôi nhớ có lần, sau khi trả bài kiểm tra cho học sinh, có một học sinh đã lên gặp tôi và rưng rưng nước mắt: “Cô ơi bố mẹ biết con bị điểm kém thế này chắc chắn tối về con sẽ bị một trận đòn đau”.

Thế nhưng sức học của con chỉ được 5 điểm, cô cũng không thể nâng lên thành 9. Nhưng nếu để 5 điểm thì con lại bị bố mẹ đánh đòn. Vậy chúng tôi phải làm sao để trọn vẹn đôi đường? Đó là áp lực của chúng tôi trước những phụ huynh kỳ vọng và đặt quá nhiều áp lực cho con cái về mặt điểm số.

Gặp những trường hợp như vậy, giáo viên rất vất vả, chúng tôi phải gọi điện trực tiếp cho bố mẹ và nói rằng bài kiểm tra này con có cố gắng nhưng vì còn sơ sót nên được điểm chưa cao và bài kiểm tra đó không chứng minh lực học của con trong cả quá trình để họ còn nhìn vào lần sau. Về phía học sinh thì giáo viên cũng không được căng thẳng mà phải mềm dẻo, động viên, quan tâm nhiều hơn để con không bị áp lực.

Điểm số là một chuyện, tiếp xúc với những phụ huynh đó giáo viên còn áp lực gấp trăm lần. Có những bố mẹ đánh giá rất cao về con mình, kỳ vọng rất lớn về con khiến giáo viên rất khó thuyết phục rằng con anh chỉ thế này thôi và họ sẽ bảo vệ quan điểm của họ đến cùng. Thậm chí có những phụ huynh còn phản đối giáo viên về nhận định chưa tích cực đến con vì họ lúc nào cũng nghĩ con mình rất giỏi, rất xuất sắc và cô giáo đang nói sai cho đứa bé.

Vậy nên mới nói, nếu muốn con thành công, cha mẹ nuôi con đừng kỳ vọng quá cao tạo áp lực, hãy để con phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh, đúng với độ tuổi của trẻ”.

Để có kiến thức, nhân cách, ứng xử… thì việc học trên ghế nhà trường là chưa đủ. Dù có nhiều kiến thức nhưng khả năng giao tiếp, ứng xử kém, không biết phân biệt điều tốt cũng không thể có cuộc sống vui vẻ, an nhiên... Vì thế, muốn học sinh phát triển toàn diện phải để cho các em sống hòa nhập với mọi người, tham gia các hoạt động trải nghiệm ở trường. Ngược lại nếu phụ huynh ép con học quá nhiều sẽ làm đầu óc các con trở nên căng thẳng, có thể gây rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc đôi khi sẽ tìm đến những điều cực đoan để giải thoát như tự tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ