Kết nối yêu thương

Kết nối yêu thương
Lời phê của giáo viên lớp 1
Lời phê của giáo viên lớp 1

(GD&TĐ) - “Bây giờ mới thấy, đúng là trước kia mình cũng lười thật. Mỗi khi chấm điểm cho học sinh thì đã mặc định “xếp hạng” thông qua điểm số nên lời phê trong bài kiểm tra thường cực gọn, đôi khi chỉ nhõn một chữ “tốt”, “khá” hoặc “kém” nên sự giao lưu giữa cô và trò cũng vì thế mà bớt phần khăng khít… ”

Không cho điểm, giáo viên cũng phải động não sáng tạo

Đó là tâm sự của cô Thúy Lan, giáo viên lớp 1 về “sự đầu tư mới” trong công việc “đưa đò thầm lặng” vốn năm nào cũng thế của một giáo viên tiểu học. 

Ở các cấp học phổ thông, đặc biệt là khối tiểu học, ngoại trừ học sinh lớp 1 được đánh giá phi điểm số thì các khối lớp khác, bên cạnh điểm số là những lời phê của giáo viên đối với phần bài làm của học sinh. Và có lẽ, trong mỗi giờ trả bài kiểm tra, bên cạnh điểm số, điều mà học sinh luôn hồi hộp chờ đợi đó là những lời nhận xét của thầy, cô.

Nhiều giáo viên cho biết, đối với lứa tuổi học đường, những lời đánh giá, nhận xét từ các thầy, cô giáo có tác động rất lớn tới tâm lý của học sinh. Bởi ở đó là sự gửi gắm tình cảm, thái độ và những góp ý của giáo viên nhằm giúp học sinh ngày càng tiến bộ. 

Cô Phạm Thúy Lan, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ, viết lời phê, lời nhận xét quá trình học tập của học sinh cũng rất cần nghệ thuật. Phải làm sao để dù có bị cô “chê” thì học sinh cũng không bị “sốc”, tuy nhiên cũng rất cần cân nhắc để không rơi vào tình trạng “bội thực lời khen” khiến học sinh chủ quan và bị nhờn đối với những nhắc nhở mang tính tế nhị của thầy, cô. 

“Lời phê không chỉ là lời khen, chê đơn thuần mà là những lời góp ý chân thành, tâm huyết từ những thầy cô giáo để giúp cho học sinh củng cố kiến thức, say mê học tập, giúp học sinh hoàn thiện cả về tri thức và nhân cách. Đồng thời cũng là thông điệp gửi tới cha mẹ học sinh – những người hàng ngày hàng giờ luôn dõi theo sự tiến bộ của con mình”, cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương (Hà Nội) nói về giá trị của những lời phê.

Cá tính học sinh, lời phê tương thích!

Thông thường mẫu chung của một lời phê “có tình” thường bắt đầu bằng nhưng lời khen, động viên, nêu những ưu điểm và sau đó mới là những lỗi, những góp ý và mong muốn của thầy, cô đối với học sinh của mình. 

Lời phê được các thầy, cô đánh giá như “nhịp cầu yêu thương”  giữa cô và trò nên nhiều khi trong bài kiểm tra các thầy, cô còn “tâm tình” cả về tác phong và những ưu, khuyết điểm về kỹ năng sống cho các học sinh của mình.

Và đối với mỗi người, trong ký ức thời học sinh tiểu học, có lẽ đã không chỉ 1 lần ấn tượng sâu sắc hay cảm thấy “thế giới quan thay đổi” sau một lời phê chí tình của thầy, cô giáo trong bài kiểm tra.

Vì là lời nhận xét, đánh giá, lời của cảm xúc nên đương nhiên lời phê luôn mang những cung bậc cảm xúc của riêng nó. Ứng với mỗi bài làm, mỗi quá trình phấn đấu dưới sự quan sát tỉ mỉ của thầy, cô thì lời phê được coi là tình cảm, là thông điệp thầy, cô muốn gửi đến học trò.

Có những lời phê chỉ gọn gàng trong một câu và có cả những lời dài đến mấy dòng nhưng đều gói trọn thông điệp mà thầy cô muốn gửi gắm tới các học sinh. Đôi khi, những lời khen, chê của thầy, cô có tác dụng làm thay đổi cả một con người…

Lời phê của người mẹ hiền

- “Cô rất tự hào về con!”

- “Đoạn văn này con viết được đấy, có chiều sâu, có hình ảnh nhưng trong đoạn này cô thấy con cần đổi từ “màu đỏ” thành “khoe sắc đỏ” thì sẽ hay hơn và gợi nhiều hình ảnh đẹp hơn”.

- “Con để vở bẩn quá, chữ viết đã cẩn thận, tròn trịa hơn nhưng chưa có nét thanh, nét đậm; Bài Toán đố cách giải của con khá hay, ngắn gọn, dễ hiểu. Cố gắng hơn nữa con nhé!”…

- “Con ngoan, còn ít phát biểu. Thuộc chữ cái, đọc trơn tốt, làm Toán nhanh nhưng còn nhút nhát. Con cần cố gắng rèn đọc, nói to hơn và giao tiếp vui vẻ với bạn bè nhé”.

Bảo Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.