Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành GD,-ĐT:

Kết nối toàn ngành

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, CB quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được các địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Cô và trò Trường Mầm non Hương Sen, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: INT
Cô và trò Trường Mầm non Hương Sen, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: INT

63 tỉnh, thành trên cả nước đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện lần đầu tiên được Bộ GD&ĐT tổ chức.

Háo hức tham gia

Huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có gần 200 giáo viên, do đó địa phương này thống nhất tổ chức 1 điểm cầu. Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Văn Mạnh cho biết, tất cả giáo viên sẽ tập trung tại hội trường lớn để theo dõi sự kiện qua màn hình. Phòng GD&ĐT đã bố trí 250 chỗ ngồi cùng màn hình to, đường truyền tốt nhất có thể. Qua đó, giúp giáo viên thuận tiện trong quá trình theo dõi sự kiện.

Ngày 15/8, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục”. Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.

“Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức sự kiện này. Đây là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác.

Vì thế, chúng tôi khuyến khích giáo viên mạnh dạn bày tỏ ý kiến cá nhân (có thể bằng hình thức tương tác hoặc gửi ý kiến về cho Ban tổ chức). Chúng tôi mong muốn, những ý kiến của giáo viên huyện đảo sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp thu và lắng nghe, từ đó chia sẻ, động viên đội ngũ những người làm giáo dục ở địa phương” – ông Mạnh bày tỏ.

Tại Cà Mau, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tạ Thanh Vũ cho biết, gần 500 điểm cầu đã hoàn tất công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến nhân sự và kịch bản, phương án tổ chức.

“Chúng tôi đã có công văn gửi đến các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc về sự kiện này, để cán bộ, giáo viên, nhân viên được biết và tham gia đông đủ. Để đảm bảo tín hiệu đường truyền tốt nhất, Sở GD&ĐT Cà Mau yêu cầu các đơn vị cử cán bộ kỹ thuật túc trực trong thời gian diễn ra sự kiện. Qua nắm bắt cho thấy, cán, bộ giáo viên phấn khởi, háo hức mong được tham gia sự kiện” – ông Vũ cho biết.

Một điểm cầu tại Móng Cái (Quảng Ninh) chuẩn bị cho ngày 15/8. Ảnh: NVCC

Một điểm cầu tại Móng Cái (Quảng Ninh) chuẩn bị cho ngày 15/8. Ảnh: NVCC

Kết nối sẻ chia

Huyện Gia Lộc (Hải Dương) có khoảng 1.800 giáo viên và hơn 60 cơ sở giáo dục. Ông Đỗ Thế Ngọc – Trưởng phòng GD&ĐT - cho biết, huyện thành lập 65 điểm cầu (mỗi trường là 1 điểm cầu). Ngoài ra, có một điểm cầu tại huyện, với sự tham gia của cán bộ, công chức thuộc phòng GD&ĐT và đại diện lãnh đạo các ngành chức năng của huyện tham dự. “Các điểm cầu hoàn tất sớm công tác chuẩn bị cho sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” – ông Ngọc cho hay.

Ông Phạm Hải Ninh – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Dương - cho biết, Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký công văn gửi các phòng GD&ĐT, trường THPT; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Ngoại ngữ, Tin học tỉnh về việc tham dự Chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

Ở điểm cầu Sở GD&ĐT (tại UBND tỉnh Hải Dương) sẽ có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, đại biểu các sở, ban, ngành, Thường trực Công đoàn ngành Giáo dục và toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan Sở GD&ĐT. Điểm cầu các cơ sở giáo dục (mỗi phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên là một điểm cầu) có sự tham gia của toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục.

“Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình, các đơn vị đều triển khai nghiêm túc. Công tác chuẩn bị chu đáo” – ông Ninh trao đổi và mong muốn những vấn đề cấp thiết, quan trọng, khó khăn, vướng mắc của ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ được các cấp, ngành thẳng thắn nhìn nhận, tìm biện pháp tháo gỡ, bởi giáo dục là sự nghiệp của toàn dân và cần sự chung tay của xã hội.

Để chuẩn bị cho sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, Sở GD&ĐT Lai Châu cũng chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chủ động bố trí máy móc, trang thiết bị phòng họp để giáo viên có thể theo dõi tường tận, chi tiết toàn bộ chương trình. Giám đốc Sở GD&ĐT Đinh Trung Tuấn cho biết, sự kiện được thông báo đến đội ngũ giáo giới trong toàn tỉnh. Thông qua sự kiện, Sở muốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh để có những chủ trương, chính sách nhằm quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trường ĐH Y – Dược (Đại học Thái Nguyên) là một trong hơn 400 điểm cầu thuộc lĩnh vực giáo dục đại học. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhà trường thiết lập 2 phòng họp trực tuyến với sức chứa trên 200 chỗ ngồi. “Chúng tôi xác định, đây là sự kiện quan trọng, cơ hội để cán bộ, giảng viên được lắng nghe, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Do đó, nhà trường tạo điều kiện tối đa để cán bộ, giảng viên, nhân viên có thể tham gia sự kiện” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược (Đại học Thái Nguyên), một trong những vấn đề được các cơ sở đào tạo quan tâm hiện nay là học phí. Nếu năm học 2023 – 2024, các cơ sở giáo dục đại học không được tăng học phí thì sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là với những đơn vị tự chủ. Đây là vấn đề nhà trường mong muốn được lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT để cùng tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học nói chung.

Cô trò Trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: NVCC

Cô trò Trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: NVCC

Chuyện đời, chuyện nghề

Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó, cô Hoàng Thị Thanh Bình – Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của mình. Hơn 30 năm miệt mài “gieo chữ” nơi rẻo cao, cô Bình nếm đủ khó khăn vất vả và cung bậc cảm xúc của giáo viên cắm bản. Ngày ấy, nơi cô dạy học là một trong những bản nghèo nhất, cách trung tâm huyện Đồng Văn gần 20 km đường đèo. Nơi đây hội tụ đủ “3 không”: Không đường, không điện, không nước sinh hoạt.

“Nắng ráo thì không sao, khổ nhất ngày mưa gió, giáo viên chỉ có cách cuốc bộ đến điểm trường” – cô Bình trải lòng và tự nhủ, đã là giáo viên “cắm bản” phải chấp nhận khó khăn, thiếu thốn, vất vả, thậm chí xa gia đình, người thân. Nhiều giáo viên cắm bản không lấy được chồng, hoặc khó lấy chồng. Đó là thực tế, nhưng không thể vì thế mà lùi bước, bỏ nghề.

“Không phải ôn nghèo, kể khổ nhưng đó là chuyện đời, chuyện nghề mà tôi muốn chia sẻ đến Chương trình ‘Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục’ để có thể thấu cảm, sẻ chia công việc ‘trao tri thức’ của giáo viên vùng khó. Khi chúng tôi nguyện là giáo viên ‘cắm bản’, đồng nghĩa tạm quên nỗi niềm riêng, dành hết yêu thương cho học trò vùng khó” – cô Bình trải lòng.

Cung đường đến trường một thời của cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình. Ảnh: NVCC

Cung đường đến trường một thời của cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình. Ảnh: NVCC

Tại Móng Cái (Quảng Ninh), giáo viên cũng náo nức, mong ngóng từng giờ diễn ra sự kiện. Cô Nguyễn Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn - cho hay, công tác tổ chức, các điều kiện cho sự kiện đã hoàn tất. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng của Bộ. Ai nấy đều háo hức, mong muốn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến Bộ trưởng…” – cô Ngọc bộc bạch.

Hoan nghênh cách làm mới của Bộ GD&ĐT, cô Ngọc không giấu nổi niềm vui, sự cảm kích trước tinh thần cầu thị của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Với cô, lắng nghe là để thấu hiểu và sẻ chia; từ đó có những quyết sách đúng và thiết thực với đội ngũ nhà giáo. Nếu được, cô Ngọc và các giáo viên mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên miền núi, biên giới, hải đảo. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để thu hút và giữ chân giáo viên vùng khó.

Cô Ngọc cho biết: Trường Tiểu học & THCS Bắc Sơn nằm trên địa bàn xã miền núi, biên giới. Toàn trường hơn 200 học sinh thì trên 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. “Từ ngày xã được công nhận nông thôn mới, giáo viên và học sinh bị cắt các chế độ đối với vùng biên giới mặc dù đời sống kinh tế, xã hội nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hy vọng, những tâm tư, trăn trở của chúng tôi sẽ được các cơ quan chức năng ghi nhận và sẻ chia để thầy cô có thêm động lực bám trường, lớp, giữ gìn biên cương Tổ quốc” – cô Ngọc bày tỏ.

Cô trò Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ảnh: NVCC

Cô trò Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ảnh: NVCC

Gửi gắm tâm tư, nguyện vọng

Hơn 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đếm ngược thời gian để được trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ cùng đại diện cơ quan hữu quan. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Gấm cho hay, nhà trường đã thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên về sự kiện này. Ai cũng mong muốn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ những khó khăn, trăn trở thường nhật.

Cô Gấm kỳ vọng, tại buổi “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục” sẽ giải tỏa những băn khoăn, khúc mắc về thu nhập của giáo viên mầm non. Bởi theo cô Gấm, thu nhập của giáo viên mầm non đang ở mức thấp, chưa tương xứng với sự cống hiến. Thời gian làm việc của đội ngũ cũng không tính theo 8 tiếng/ngày. Chẳng hạn, nếu trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, các cô phải có mặt ở trường từ 4 giờ 30 phút sáng để làm công tác chuẩn bị; về đến nhà cũng đã 7 - 8 giờ tối.

“Thế nhưng, mỗi lần ký vào bảng lương, tôi không khỏi xót xa khi thấy giáo viên mới ra trường chưa được 3 triệu/tháng. Như tôi, hơn 30 năm công tác nhưng lương chưa tới 10 triệu/tháng” – cô Gấm chia sẻ và cho biết, nhà trường mong muốn Bộ GD&ĐT có ý kiến cùng bộ, ngành chức năng về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Theo cô Gấm, đội ngũ này nên nghỉ hưu khi tròn 55 tuổi (với nữ) và 60 tuổi (với nam).

Không đề đạt nguyện vọng cho mình, nhưng giáo viên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) lại mong có thêm nhiều chính sách cho học trò. Thầy Lê Quang Trọng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - cho hay, trước đây học sinh trên đảo được cộng 1,5 điểm ưu tiên trong xét tuyển tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sau đó, giảm còn 0,5 điểm. Tuy nhiên, từ năm 2023, học sinh trên đảo Phú Quý không còn được thụ hưởng chính sách ưu tiên này.

“Thiết nghĩ, chính sách ưu tiên cộng điểm cần tiếp tục duy trì nhằm động viên, khuyến khích con em huyện đảo đến trường, từng bước rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa các vùng biên giới, hải đảo với vùng đồng bằng” – thầy Trọng bày tỏ.

Nêu thực trạng về cơ cấu đội ngũ giáo viên ở Trường THPT Ngô Quyền, thầy Trọng cho biết, nhà trường đang rơi vào tình huống thừa giáo viên khối khoa học tự nhiên nhưng lại thiếu giáo viên khoa học xã hội. Nguyên nhân, theo Chương trình GDPT 2018, đa số học sinh lựa chọn các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, dẫn đến thiếu giáo viên các bộ môn thuộc lĩnh vực này.

Hiện, trường có 6 giáo viên khối khoa học xã hội trong khi cần đến 12 thầy, cô mới có thể đảm bảo việc dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trong khi ở lĩnh vực khoa học tự nhiên, nhà trường chỉ cần 5 – 6 giáo viên là đủ nhưng hiện tại trường có 12 người trong biên chế. “Thực tế này khiến nhà trường gặp không ít khó khăn trong bố trí, sắp xếp nhân sự đứng lớp” – thầy Trọng chia sẻ.

Cũng theo thầy Trọng do chưa có giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp nên Trường THPT Ngô Quyền phải bố trí một số thầy, cô giáo đảm nhiệm nhưng kết quả chưa được như mong muốn bởi không được đào tạo bài bản. “Mong rằng, sau sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, chúng tôi sẽ được tư vấn, hỗ trợ để giải bài toán về đội ngũ của nhà trường” – thầy Trọng bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục được tổ chức theo hình thức trực tuyến để tất cả nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD&ĐT, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì sự kiện. Tham gia sự kiện có lãnh đạo Bộ GD&ĐT; lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, Công đoàn Giáo dục, các phòng GD&ĐT địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.