Kết nối nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Đang có mối quan hệ hợp tác với trên 3.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang có những bước đi vững chắc và các giải pháp linh hoạt nhằm tăng cường sự kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo.

TS. Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thăm quan các gian hàng tại Ngày hội việc làm 2022.
TS. Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thăm quan các gian hàng tại Ngày hội việc làm 2022.

Tại buổi tọa đàm “Kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp” diễn ra mới đây, TS. Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và bà Đặng Thanh Huyền - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam đã có những trao đổi chuyên sâu và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa Nhà trường – Doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Đưa hoạt động hợp tác vào thực chất

PV: Là cơ sở giáo dục đại học đa ngành đa nghề, trong những năm qua, việc kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?

TS. Kiều Xuân Thực: Hợp tác giữa Nhà trường - doanh nghiệp (NT – DN) trong thiết kế, vận hành các chương trình đào tạo (CTĐT) là yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu, vị thế của cơ sở giáo dục đại học. Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác NT - DN, dưới sự hỗ trợ từ Dự án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật do Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, ngay từ năm 2012 nhà trường đã thành lập Ban Quan hệ doanh nghiệp – đơn vị chuyên trách quản lý, hỗ trợ, phát triển hợp tác NT - DN. Từ đó Hợp tác NT - DN đã trở thành một hoạt động chuyên môn quan trọng như các hoạt động chuyên môn khác của Nhà trường.

Đến nay, Nhà trường hiện có quan hệ hợp tác với trên 3.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với nhiều nội dung đa dạng, cụ thể gồm 5 nhóm:

Thiết kế, phát triển CTĐT: Ngay từ khi thiết kế, phát triển CTĐT, doanh nghiệp đã tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra; nhận xét, đánh giá năng lực sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tổ chức, vận hành CTĐT: Nhà trường và doanh nghiệp đã có những hợp tác trong tổ chức, vận hành CTĐT rất đa dạng, như: tổ chức thực hành tại DN; tổ chức thực tập trải nghiệm tại DN; DN cử chuyên gia hướng dẫn thực hành, thực tập; cử chuyên gia đến giảng một số môn học chuyên ngành; cử chuyên gia cùng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp…

DN tài trợ trang thiết bị: phục vụ thực hành, thí nghiệm sách, phục vụ công tác đào tạo; cấp học bổng, trả lương thực tập cho sinh viên…

Tổ chức các CTĐT theo nhu cầu DN: bên cạnh chương trình đào tạo chính khóa do nhà trường cấp bằng, sinh viên được đào tạo tăng cường thêm về ngoại ngữ, kỹ năng mềm…theo đặt hàng của doanh nghiệp để khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đi làm ngay tại DN. Sinh viên tham gia những chương trình đào tạo này sẽ được cấp học bổng, hỗ trợ học phí, có cơ hội được tuyển dụng trực tiếp và đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Doanh nghiệp đặt hàng nhà trường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao cho nhân sự của doanh nghiệp; tham gia đánh giá trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại Doanh nghiệp.

TS. Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng nhà trường; bà Đặng Thanh Huyền - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam chia sẻ về kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.
TS. Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng nhà trường; bà Đặng Thanh Huyền - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam chia sẻ về kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

PV: Hợp tác với Nhà trường từ năm 2014, phía Nissan Automotive Technology Việt Nam đã phối hợp với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ tối đa cho sinh viên nhà trường?

Bà Đặng Thanh Huyền: Hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học và cụ thể với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của Công ty trong chiến lược tìm kiếm, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, có hơn 700 sinh viên của trường đang làm việc với vị trí rất tốt tại Nissan.

Hàng năm, phía Nissan đã phối hợp với Nhà trường để thường xuyên tổ chức hội thảo cơ hội việc làm; những kỳ thực tập, đi thăm quan, trải nghiệm tại doanh nghiệp, để sinh viên được trực tiếp đến công ty/nhà máy, được tiếp cận với những thiết bị hiện đại cũng như môi trường làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, phía Công ty cũng có những kế hoạch đào tạo sinh viên cách tư duy, giải quyết vấn đề, những kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, tác phong làm việc và đặc biệt là tạo môi trường, cơ hội để sinh viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, Tiếng Nhật và Tiếng Anh.

Phía Nissan luôn có những chương trình được thiết kế cho sinh viên năm thứ 4 của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, với mục tiêu đào tạo cho các em thêm vững chuyên môn, nghiệp vụ để ngay sau khi tốt nghiệp ra trường có thể đi làm luôn tại Công ty với mức lương cơ bản từ 10 triệu đồng trở lên.

PV: Với những nhóm ngành kỹ thuật như Công nghệ kỹ thuật (cơ khí, cơ điện tử, ô tô, điều khiển tự động hóa…) hay Robot và trí tuệ nhân tạo thì việc kết nối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này có điểm gì khác so với các nhóm ngành còn lại?

TS. Kiều Xuân Thực: Về cơ bản, hợp tác giữa NT – DN trong các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật (cơ khí, cơ điện tử, ô tô, điều khiển tự động hóa…) cũng không có sự khác biệt lớn so với những nhóm ngành khác. Nếu có, chỉ là sự khác biệt ở quy mô, tính chất bởi đặc thù riêng của nhóm ngành.

Ở lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển không ngừng của các tập đoàn nước ngoài, yêu cầu về nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn. Vì thế, cùng với chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình, các Tập đoàn lớn chủ động hợp tác với Nhà trường ngay từ đầu, để giải quyết bài toán nhân lực ở tầm xa, có chiều sâu và quy mô hơn.

Việc đưa sinh viên đến gần hơn với doanh nghiệp thông qua những kỳ thực hành, thực tập và việc doanh nghiệp tài trợ thiết bị, phương tiện phục vụ thực hành/thí nghiệm cho Nhà trường, từng bước giúp sinh viên vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, từ đó có thể tự tin ra làm việc, đáp ứng ngay được yêu của doanh nghiệp tuyển dụng.

Sinh viên được doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại Ngày hội việc làm tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Sinh viên được doanh nghiệp tư vấn, hỗ trợ trực tiếp tại Ngày hội việc làm tại Đại học Công nghiệp Hà Nội.

PV: Đối với nhóm ngành về dịch vụ - du lịch, một trong những nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19 vừa qua, vậy nhà trường có hướng đi và giải pháp như thế nào trong thời gian tới, để cùng với doanh nghiệp tạo đà phát triển trở lại nhóm ngành này?

TS.Kiều Xuân Thực: Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực của ngành du lịch đang bị thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng sau khi đại dịch tạm lắng xuống. Do đó, để đón đầu cho một thời kỳ mới, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã có giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu thực tế: Mở thêm ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, là ngành được đánh giá cao, có tiềm năng phát triển lâu dài; Khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên đăng ký học vượt để có thể tốt nghiệp trong khoảng thời gian 3-3,5 năm.

Cùng với đó, Nhà trường cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các CTĐT lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn hơn rất nhiều, để thầy và trò có thể chủ động dạy các học phần thực hành, thực tập cơ bản ngay trong trường. Còn với phần thực hành, thực tập nâng cao sẽ được Nhà trường kết nối, phối hợp tổ chức tại các doanh nghiệp lớn trong ngành Du lịch; Đa dạng hóa ngoại ngữ như Anh, Trung, Nhật, Hàn giúp sinh viên có thể làm việc được trong môi trường đa văn hóa...

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Bà Đặng Thanh Huyền (giữa) – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam.
Bà Đặng Thanh Huyền (giữa) – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Nissan Automotive Technology Việt Nam.

PV: Cuộc CMCN 4.0 tác động đến toàn nền kinh tế, để bắt kịp với xu thế, phía Công ty và Nhà trường có những giải pháp cụ thể nào để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn đào tạo nhân lực?

Bà Đặng Thanh Huyền: Nissan hợp tác với Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội từ nhiều năm nay, sinh viên tốt nghiệp của trường luôn được Nissan chào đón và đánh giá cao, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để cống hiến, phát triển, tạo dựng tương lai. Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Công ty sẽ thực hiện đồng bộ, sâu rộng các hợp tác với nhà trường, đồng thời sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, cùng với Nhà trường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hơn nữa các khóa đào tạo kỹ sư trình độ cao để sinh viên có thể vững chuyên môn hơn nữa, có cơ hội được đi đào tạo nâng cao tại Nhật Bản…

TS. Kiều Xuân Thực: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp vẫn luôn được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Việc hợp tác với doanh nghiệp đang được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó xây dựng thương hiệu trường đại học. Mối liên kết này đang trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động.

Nhà trường luôn coi doanh nghiệp là một bên liên quan quan trọng trong thiết kế, phát triển Chương trình đào tạo (CTĐT); Chương trình đào tạo cần có tỷ trọng thực hành, thực tập phù hợp (35 - 40%) để gia tăng kiến thức, kỹ năng thực tế cho SV; trong CTĐT có thiết kế 1 số môn học chuyên ngành có sự tham gia đồng giảng một phần bởi chuyên gia từ DN;

Ngoài đưa sinh viên ra doanh nghiệp thực hành, thực tập thì cần có các hình thức hợp tác đưa giảng viên ra doanh nghiệp để cập nhật thực tiễn sản xuất kinh doanh tại DN; coi thực hiện các hoạt động hợp tác NT-DN là 1 nhiệm vụ chuyên môn quan trọng như hoạt động giảng dạy và NCKH. Bên cạnh đó, việc chọn lọc các doanh nghiệp phù hợp để hợp tác.

"Các doanh nghiệp cũng cần coi hợp tác với cơ sở giáo dục là trách nhiệm xã hội và cũng là quyền lợi thiết yếu để lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng, tiết kiệm được chi phí, thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng do sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay công việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về hợp tác giáo dục để xây dựng văn hóa hợp tác cũng như thiện chí khi tham gia các hoạt động hợp tác, có bộ phận chức năng để làm đầu mối hợp tác, cử nhân sự phù hợp với mỗi nội dung, hính thức hợp tác để nâng cao chất lượng hợp tác..." - TS Kiều Xuân Thực nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.