Kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước trong lựa chọn SGK của 6 tỉnh

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh trong lựa chọn SGK, quy trình lựa chọn SGK tại 6 địa phương.

Hội đồng chọn sách giáo khoa của Trường tiểu học Lộc Thọ (Khánh Hòa) thảo luận về các bộ sách. Ảnh minh họa/baokhanhhoa.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của Trường tiểu học Lộc Thọ (Khánh Hòa) thảo luận về các bộ sách. Ảnh minh họa/baokhanhhoa.

Ngày 5/1, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ký văn bản số 05/TB-BGDĐT thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh trong lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa (thời kỳ từ 1/1/2021 đến 31/5/2022).

Những kết quả đạt được

Về những kết quả đạt được, theo thông báo kết luận, UBND các tỉnh cơ bản đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo thực hiện lựa chọn SGK, kế hoạch lựa chọn SGK và các quyết định ban hành tiêu chí lựa chọn SGK, thành lập hội đồng lựa chọn SGK, quyết định ban hành danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc lựa chọn SGK theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Đã triển khai các văn bản theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính để hướng dẫn và chỉ đạo việc lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh. Ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tổ chức lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK. Bảo đảm cơ sở vật chất để các cơ sở GDPT và hội đồng lựa chọn SGK tổ chức lựa chọn SGK theo quy định.

Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản tiêu chí lựa chọn SGK; đề xuất thành viên của các hội đồng; đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất để các hội đồng tổ chức lựa chọn SGK; tổ chức các hoạt động của hội đồng theo quy định. Sở GD&ĐT cũng đã thông báo đến các cơ sở GDPT danh mục SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; hướng dẫn các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn, đề xuất danh mục SGK. Thông báo đến các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý danh mục SGK được UBND tỉnh phê duyệt và hướng dẫn sử dụng SGK. Đã tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK từ các cơ sở GDPT, báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT đồng thời đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý thực hiện lựa chọn SGK theo quy trình, quy định.

UBND cấp huyện đã chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất danh mục SGK.

Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức đề xuất lựa chọn SGK; tổng hợp danh mục SGK được các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất, báo cáo với Sở GD&ĐT. Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở GDPT thông báo danh mục SGK đã được UBND tỉnh phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Hướng dẫn sử dụng SGK theo quy định của pháp luật. Tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK từ các cơ sở GDPT theo thẩm quyền quản lý, báo cáo Sở GD&ĐT. Đề xuất với UBND cấp huyện về kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ sở GDPT thuộc thầm quyền quản lý tổ chức đề xuất lựa chọn SGK.

Đối với các cơ sở GDPT được kiểm tra, xác minh trực tiếp đã có văn bản triển khai việc lựa chọn SGK, tổ chức thực hiện lựa chọn SGK từ các lớp học và điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 (năm 2021) theo quy định tại Thông tư 25. Đã thực hiện báo cáo danh mục SGK do cơ sở GDPT lựa chọn về Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT theo quy định.

Giáo viên Kiên Giang trao đổi với đại diện nhóm tác giả, nhà xuất bản về sách giáo khoa tiếng Anh lớp 2. Ảnh minh họa/ITN.
Giáo viên Kiên Giang trao đổi với đại diện nhóm tác giả, nhà xuất bản về sách giáo khoa tiếng Anh lớp 2. Ảnh minh họa/ITN.

Những hạn chế, thiếu sót, vi phạm

Thông báo kết luận thanh tra cũng chỉ ra những nội dung còn hạn chế, thiếu sót.

Theo đó, về nội dung xây dựng, ban hành văn bản và triển khai các văn bản quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý, cần xem xét lại hình thức ban hành văn bản được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật ban hành văn bản và khoản 2 Điều 10 Thông tư số 25: UBND tỉnh ban hành công văn về việc triển khai Thông tư 25, trong đó quy định các tiêu chí lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh và giao Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở GDPT triển khai (tỉnh Khánh Hoà).

Về nội dung thành lập hội đồng lựa chọn SGK và xây dựng các tiêu chí lựa chọn SGK: UBND tỉnh Khánh Hòa thành lập các hội đồng lựa chọn SGK lớp 6, lớp 7, lớp 10 có một số hội đồng chưa bảo đảm thành phần theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 25.

Về nội dung lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK: Việc công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 được phê duyệt chậm 2 tháng so với quy định (tỉnh Đắk Lắk).

Giao nhiệm vụ cho giáo viên của tổ chuyên môn không đúng chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK (Trường tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Krong Pak và Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

Việc sắp xếp, lưu giữ hồ sơ ở một số cơ sở giáo dục chưa khoa học, khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra: Trường tiểu học Chu Văn An, Trường THCS Võ Trường Toàn, Trường THPT Trần Quốc Toản và Trường THPT Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp; Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường THCS thị trấn Kiên Lương, Trường THPT Kiên Lương, Trường THPT Nguyễn Trung Trực của tỉnh Kiên Giang.

Về nội dung bảo đảm kinh phí, các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc lựa chọn SGK: Tại thời điểm thanh tra trực tiếp, các tỉnh (Đồng Tháp, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Khánh Hòa) chưa ban hành Nghị quyết về nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn SGK trên địa bàn. UBND tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư 25.

Sở GD&ĐT, UBND huyện/thành phố, phòng GD&ĐT chậm đề xuất kinh phí cho các cơ sở GDPT thực hiện lựa chọn SGK tại cơ sở GDPT. Các tổ chuyên môn, giáo viên, nhà trường chưa được chi trả thù lao cho hoạt động lựa chọn SGK (tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa,....).

Việc công khai minh bạch và chế độ báo cáo thông tin lựa chọn SGK: Việc tổ chức các hoạt động của hội đồng lựa chọn SGK còn thiếu khâu xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT. Việc lựa chọn lại SGK lớp 1, có 8/15 phòng GD&ĐT kiến nghị điều chỉnh danh mục SGK đã được phê duyệt và sử dụng trong các cơ sở GDPT năm học 2020-2021. Sở GD&ĐT đã tổ chức lựa chọn lại SGK theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT chưa báo cáo UBND tỉnh về tổng hợp các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK từ các cơ sở GDPT (tỉnh Đắk Lắk).

Về nội dung thanh tra, kiểm tra: UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và UBND các huyện/thành phố chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề trách nhiệm của các đơn vị quản lý và cơ sở GDPT trong việc lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK. Phòng GD&ĐT chưa thực hiện kiểm tra chuyên đề, chỉ thực hiện kiểm tra công tác lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK lồng ghép, kết hợp trong các cuộc kiểm tra, nên chưa phát huy được hiệu quả của công tác kiểm tra (tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa).

Về các vi phạm, thông báo kết luận thanh tra chỉ rõ: Trong quá trình lựa chọn SGK, các hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh (tỉnh Kiên Giang, tỉnh Long An, các hội đồng lựa chọn SGK trung học tỉnh Đồng Tháp) không xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến lựa chọn SGK của các trường trung học theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 25.

Việc không tổ chức lựa chọn từ cơ sở giáo dục đối với 2 môn học Âm nhạc, Mĩ thuật (lý do không có giáo viên) ở cấp THPT là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 25 và Công văn số 686/BGDĐT-GDTrH ngày 3/3/2022 của Bộ GD&ĐT (tỉnh Khánh Hòa).

Đến thời điểm thanh tra, đối với lớp 10, chỉ có 31/40 trường THPT tổ chức chọn đối với môn Âm nhạc và có 16/40 trường THPT tổ chức lựa chọn môn Mĩ thuật, chưa thực hiện theo quy định tại Công văn số 686/BGDĐT-GDTrH ngày 3/3/2022 của Bộ GD&ĐT (tỉnh Quảng Ngãi).

Tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), thiếu minh chứng thể hiện việc hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên lựa chọn SGK lớp 10. Một số biên bản lựa chọn SGK không đúng quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 8 Thông tư 25.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Kiến nghị các biện pháp xử lý

Về kiến nghị các biện pháp xử lý, thông báo kết luận thanh tra ghi rõ: Đối với UBND tỉnh, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung tiêu chí lựa chọn SGK bảo đảm cụ thể hóa tiêu chí quy định tại Thông tư 25, phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của các cơ sở giáo dục.

Các hội đồng lựa chọn SGK (tỉnh Kiên Giang, tỉnh Long An, các hội đồng lựa chọn lựa chọn SGK trung học tỉnh Đồng Tháp) tiếp tục thực hiện đúng quy trình và bảo đảm tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục. Thực hiện báo cáo đầy đủ quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Thông tư 25.

UBND tỉnh (Kiên Giang, Quảng Ngãi, Khánh Hòa - nếu chưa ban hành) nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện và các cơ sở giáo dục bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác lựa chọn SGK tại các cơ sở giáo dục.

Tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các hạn chế, thiếu sót, vi phạm. Báo cáo kết quả khắc phục những hạn chế, thiếu sót, vi phạm và các kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Thanh tra) sau 45 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận này.

Việc ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK nên để sử dụng ổn định trong nhiều năm. Trong trường hợp điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK thì ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp (Đồng Tháp).

Đối với Sở GD&ĐT: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh rà soát, ban hành các văn bản liên quan đến việc lựa chọn SGK theo quy định. Điều chỉnh, bổ sung tiêu chí lựa chọn SGK bảo đảm cụ thể hóa tiêu chí quy định tại Thông tư 25 phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn SGK, trong đó chú ý việc thực hiện lựa chọn SGK của các hội đồng lựa chọn SGK đúng quy trình và bảo đảm tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục. Rà soát hồ sơ của hội đồng lựa chọn SGK bảo đảm đúng, đủ theo quy định tại Thông tư 25; đặc biệt lưu ý biên bản họp hội đồng, phiếu nhận xét của thành viên hội đồng bảo đảm chất lượng và thể hiện rõ tính minh bạch, công khai, dân chủ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT trong toàn tỉnh. Quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lựa chọn SGK, lưu trữ hồ sơ lựa chọn SGK theo quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh.

Tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc thực hiện lựa chọn SGK. Trong đó tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tập thể, cá nhân để xảy ra việc thiếu báo cáo UBND tỉnh của các hội đồng lựa chọn SGK trung học về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến lựa chọn SGK của các trường trung học theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 25.

Đối với UBND cấp huyện: Tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót trong lựa chọn SGK đã nêu trong Kết luận thanh tra. Tiếp tục chỉ đạo phòng GD&DT hướng dẫn các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc lựa chọn SGK theo đúng quy trình, quy định. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo các phòng GD&ĐT kiểm tra việc lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý. Bố trí kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý.

Đối với phòng GD&ĐT và cơ sở GDPT: Tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót trong các khâu của quy trình lựa chọn SGK. Hướng dẫn các cơ sở GDPT thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc lựa chọn SGK theo đúng quy trình, quy định. Tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc lựa chọn SGK bảo đảm đúng quy trình, quy định. Đề xuất, tham mưu UBND huyện, thành phố, thị xã bố trí đủ kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT .

Trong phần kiến nghị các biện pháp xử lý, thông báo kết luận thanh tra ghi rõ: Giao Vụ Giáo dục Trung học và Vụ Giáo dục Tiểu học tiếp tục tham mưu Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, các Sở GD&ĐT trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quy trình, quy định về lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, hướng dẫn thực hiện lựa chọn SGK tại Thông tư số 25 và Công văn 686/BGDĐT-GDTrH. Tiếp tục quán triệt việc thực hiện lựa chọn SGK của các hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh phải bảo đảm tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục.

Giao Thanh tra Bộ GD&ĐT theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.