Kết hợp 2 vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả không như mong đợi

GD&TĐ - Các vắc-xin có thể cùng nhắm đến protein S. Song, sự khác nhau ở một số điểm có thể khiến hệ thống miễn dịch phản ứng khác nhau. Từ đó, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi.

Vắc-xin Nanocovax của Việt Nam có bản chất là protein. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Vắc-xin Nanocovax của Việt Nam có bản chất là protein. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Từng bước khống chế dịch

Ngày 21/5, Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã khống chế 3 đợt dịch và từng bước kiểm soát làn sóng thứ 4. Theo lãnh đạo ngành y tế, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ là làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19 nhanh nhất. Đồng thời, bảo đảm tiếp cận rộng nhất để người dân được tiêm vắc-xin.

Trong hơn một năm qua, Bộ Y tế đã tìm kiếm, đàm phán để sớm tiếp cận các nguồn vắc-xin. Hiện, có khoảng 110 triệu liều vắc-xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm nay, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 theo cơ chế chia sẻ chi phí.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, có đủ nguồn vắc-xin tiêm chủng cho người dân là vô cùng quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh. Nhờ đó, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế đất nước.

Hiệu quả gấp 7 lần?

Nhiều người đã tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt đầu.

Nhiều người đã tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt đầu.

Mới đây, một số quốc gia cho biết sẽ áp dụng phác đồ kết hợp hai loại vắc-xin ngừa Covid-19 khác nhau để phòng bệnh. Ngày 20/5, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng việc kết hợp các loại vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho một người.

Trước đó, một nghiên cứu của Viện Y tế Carlos III (Tây Ban Nha) đã thực hiện tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca mũi đầu và sau đó là vắc-xin của Pfizer mũi thứ 2 cho người tham gia. Kết quả cho thấy, những người này có kháng thể chống virus tốt hơn gấp 7 lần so với chỉ tiêm vắc-xin của AstraZeneca.

Chia sẻ về vấn đề này, theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), về mặt lý thuyết, hầu hết các loại vắc-xin hiện nay đều nhắm vào việc sử dụng protein S của virus SARS-CoV-2. Ngoại trừ một số vắc-xin sử dụng virus SARS-CoV-2 thật, nhưng đã làm chết, như vắc-xin của Trung Quốc.

Protein S này được sử dụng làm kháng nguyên để “dạy” hệ thống miễn dịch trong cơ thể hình dáng của virus thật như thế nào. Nhờ đó, trong trường hợp nhiễm virus thật, cơ thể sẽ chống trả hữu hiệu và nhanh chóng.

“Do vậy, việc sử dụng vắc-xin A cho liều đầu tiên và vắc-xin B cho liều thứ 2 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, câu chuyện thực tế không đơn giản như vậy!”, TS Vũ cảnh báo.

Bản chất của vắc-xin

Theo chuyên gia này, yếu tố cần được chú trọng khi kết hợp hai loại vắc-xin là tính hiệu quả và an toàn. TS Vũ lý giải, các vắc-xin có thể cùng nhắm đến protein S. Song, protein S có nguồn gốc từ vắc-xin này có thể hơi khác với protein S của vắc-xin khác. Sự khác biệt ở một số điểm có thể khiến hệ thống miễn dịch phản ứng không giống nhau. Từ đó, dẫn đến hiệu quả của liều 2 không như mong đợi.

“Bản chất của từng loại vắc-xin là khác nhau. Vắc-xin của Pfizer-BioNTech và Moderna có bản chất là sợi mRNA thông tin. Vắc-xin của AstraZeneca và Sputnik V có bản chất là adenovirus.  Vắc-xin của Trung Quốc có bản chất là virus đã chết. Vắc-xin của Việt Nam Nanocovac) có bản chất là protein”, TS Vũ giải thích.

Do đó, các thành phần khác trong vắc-xin (các chất bảo quản, chất kích thích tăng cường miễn dịch, các chất cân bằng pH, cân bằng độ thẩm thấu...) cũng khác nhau. Vì vậy, TS Vũ cảnh báo, sự khác nhau đó có thể dẫn đến hiệu quả kích thích hệ miễn dịch khác, nếu dùng kết hợp hai loại vắc-xin. Ngoài ra, phản ứng phụ cũng có thể sẽ thay đổi về cường độ hoặc tính chất.

“Các kết quả bước đầu trong thử nghiệm lâm sàng trên 600 người nhằm khảo sát việc kết hợp giữa vắc-xin AstraZeneca và Pfizer-BioNTech ở Anh vừa được công bố cho thấy, những người tiêm vắc-xin khác nhau có nhiều tác dụng phụ hơn sau liều thứ hai.

Tuy nhiên, các phản ứng phụ này (sốt, đau đầu, mỏi cơ, lạnh người, tiêu chảy...) đều mất biến sau khoảng 48 tiếng và chưa có ca đông máu nào xảy ra”, chuyên gia dẫn chứng.

TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định, việc sử dụng các loại vắc-xin có nguồn gốc khác nhau để phối hợp tiêm phòng giữa các liều đang là một xu hướng. Phương pháp này hiện được nhiều nơi trên thế giới nhắm đến, nhằm giảm áp lực thiếu vắc-xin.

Đồng thời, tăng hiệu quả cho “vắc-xin yếu”, giảm nguy cơ phản ứng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên, để biết rõ nên kết hợp như thế nào và đâu là những loại vắc-xin nên kết hợp, cần thực hiện nghiên cứu để có câu trả lời chính thức.

“Do vậy, nếu trong trường hợp vẫn có đủ vắc-xin cùng loại để tiêm đủ 2 liều thì vẫn nên giữ nguyên phương pháp cũ, với 2 liều giống nhau. Việc kết hợp những loại vắc-xin khác nhau giữa các liều chỉ nên thực hiện sau khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng đảm bảo phương pháp đó có hiệu quả và an toàn. Hoặc, không có sự lựa chọn khác trong trường hợp cấp bách do đại dịch lan tràn”, TS Vũ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.