Kết hôn giả, hệ lụy thật

Kết hôn giả, hệ lụy thật
Moät ñaùm cöôùi taäp theå giöõa caùc chuù reå Ñaøi Loan vaø coâ daâu ngöôøi Vieät Nam
Một đám cưới tập thể giữa các chú rể Đài Loan và cô dâu người Việt Nam

(GD&TĐ) - Trong khi tình trạng thiếu nữ Việt kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, chỉ vì lợi ích vật chất đang là vấn đề nhức nhối thì một hiện trạng khác cũng gây nhiều hệ lụy trong xã hội – đó là kết hôn giả…

Theo Nghị định mới có hiệu lực từ 11/11/2013 của Chính phủ thì mức phạt tiền đối với kết hôn giả có thể lên tới 20 triệu đồng, tuy nhiên phạt tiền không thể là giải pháp giải quyết vấn đề tận gốc…

Hệ lụy tới đời con

Nếu như tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, phong trào lấy chồng ngoại quốc rầm rộ (đây là kết hôn thật) thì kết hôn giả vì mục đích xuất khẩu lao động phổ biến hơn ở phía Bắc. Đã có thời xã Tam Dị (Lục Nam, Bắc Giang) được coi là điểm nóng về kết hôn giả.

Tình trạng kết hôn giả bắt đầu xuất hiện vào năm 2005 và rộ lên trong những năm 2008, 2009, 2010. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến tháng 3/2010, tại xã có hơn 160 người kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Ma Cao…

Đại bộ phận các trường hợp kết hôn giả là vì mục đích đi xuất khẩu lao động. Thường những cô gái có nhu cầu xuất khẩu lao động thông qua dịch vụ môi giới đăng kí kết hôn với đàn ông quốc tịch nước đó sẽ nhanh chóng được nhập cư mà không phải mất thời gian chờ đợi. 

Trong nhiều trường hợp, việc kết hôn giả bất thành tạo trở ngại pháp lí lớn sau này cho đối tượng kết hôn giả và con cái họ.

Cụ thể như trường hợp chị X đã làm thủ tục kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc nhưng việc xuất cảnh bất thành. Chị này “buông” và sau đó cưới một người cùng làng, chấp nhận không được làm thủ tục đăng kí kết hôn với người chồng thực sự vì đang có hôn nhân hợp pháp với người Hàn Quốc.

Thế nhưng khi đứa con sinh ra không được cấp giấy khai sinh do chị X cần có đơn li hôn với người chồng Hàn Quốc hoặc làm đơn cam đoan con mình sinh ra ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ! Việc kết hôn giả của người mẹ vô hình trung đã xâm phạm tới quyền của đứa trẻ.

Theo Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam quy định, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền bình đẳng, một trong những quyền đó là được khai sinh. 

Tiền mất tật mang

Bỏ ra một số tiền lớn cho dịch vụ kết hôn giả vì mục đích xuất khẩu lao động hoặc nhập tịch nhưng rất nhiều trường hợp tiền mất tật mang. Qua thẩm tra thông tin của cơ quan chức năng, nhiều trường hợp kết hôn giả bị lật tẩy không thể đi lao động nước ngoài và mất toi một khoản tiền lớn thường là vay mượn.

Với những người trót lọt ra nước ngoài cũng phải sống trong cảnh nơm nớp lo bị an ninh sở tại phát hiện kết hôn giả và trục xuất. 

Tại các nước có số người nhập tịch thông qua kết hôn giả cao như Úc, Mỹ, nhà chức trách kiểm tra “tình trạng hôn nhân thực tế” cực kì gắt gao. Một cô gái có hợp đồng kết hôn giả để nhập tịch vào Úc cho biết đó là một hành trình khổ ải.

Ngoài khoản chi phí lên tới 50.000 USD, cô phải sắp xếp “ngủ chung nhà” mỗi tuần ít nhất vài đêm để phòng nhân viên Bộ Di trú tới kiểm tra ngẫu nhiên. Cô và “chồng” phải học thuộc thông tin, sở thích cá nhân của nhau và mọi thứ trong căn nhà.

Cũng có những ông chồng hoặc bà vợ giả “củ chuối” nhận khoản tiền ứng trước rồi “tếch” hoặc vòi vĩnh moi thêm mới thực hiện tiếp hợp đồng. Đấy là chưa kể chuyện sống “giả” trong một mái nhà với người khác giới đẻ ra nhiều hệ lụy không hề lường tới lúc đầu!

Điều chỉnh bằng đạo đức

Tại Việt Nam, Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ "Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo...".

Tuy nhiên, trong thực tế rất khó phát hiện và nhận biết được việc kết hôn giả, vì việc kết hôn này thường được sắp đặt, dàn dựng và toàn bộ hồ sơ thủ tục pháp lý là đầy đủ và hợp pháp.

Quy định xử lý chỉ có thể là giải quyết ly hôn theo thủ tục chung, giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, trong một số trường hợp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt theo Nghị định cũ trước ngày 11/11 từ 100.000 đồng đến 10 triệu đồng kèm theo thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận kết hôn. 

Theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình có hiệu lực từ 11/11/2013 đã tăng mức phạt với một số vi phạm, cụ thể: Phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn; Phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác; Phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật.

Tuy nhiên việc tăng mức phạt tiền chỉ có thể mang ý nghĩa hướng sự chú ý, phê phán của dư luận tới vấn đề kết hôn giả. Theo các nhà xã hội học thì tình trạng kết hôn giả mang nặng phạm trù đạo đức và cần các giải pháp giáo dục, tuyên truyền pháp luật nhiều hơn.

Bên cạnh đó đẩy mạnh GD từ dòng họ, làng xã, cộng đồng xây dựng nhân cách thế hệ trẻ. Công tác quản lí hộ tịch hộ khẩu của chính quyền cơ sở cũng cần sát sao, sớm phát hiện các trường hợp vi phạm…

Kết hôn giả hay kết hôn giả tạo là thuật ngữ chỉ về một cuộc hôn nhân theo những hợp đồng, thỏa thuận ngầm hoặc trái quy định pháp luật để tiến hành kết hôn vì những lý do khác thay vì những lý do xây dựng gia đình hay kết hôn trên cơ sở tình yêu.

Kết hôn giả nói chung là vẫn đảm bảo về mặt thủ tục và cặp vợ chồng vẫn được cấp hôn thú, tuy nhiên mục đích kết hôn không đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, chứ hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.

Luật sư Xuân Bính (Đoàn Luật sư Hà Nội)


Hà Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.