Kết hôn để … "điền vào chỗ trống"?

Kết hôn để … "điền vào chỗ trống"?

(GD&TĐ) - Nhiều người trước khi tiến tới hôn nhân đã “nhìn ra” những khuyết điểm, tật xấu của nhau, nhưng do nhiều nguyên do, họ vẫn quyết định “góp gạo thổi cơm chung” để rồi xem cuộc hôn nhân như điểm dừng cho một mối quan hệ quá mệt mỏi mà không biết nó sẽ “trôi nổi” về đâu.

Nỗi lo “quá đát”

Vốn biết cuộc hôn nhân của mình không mấy “ổn” trước ngày cưới nên dù đã chung sống với nhau gần bốn năm, mỗi lần nhắc đến chồng mình, chị Thu cứ buồn rười rượi. Anh Nguyên, chồng chị có quá nhiều tính cách mà theo linh cảm mách bảo, chị thấy không mấy phù hợp với mình. Thế nhưng sau một thời gian dài quen nhau chẳng lẽ cứ cặp kè nhau đi chơi mãi nên cuối cùng, chị Thu cũng quyết định lên xe hoa. Chị Thu cho biết: “Mọi thứ đến với tôi giống như qui luật tự nhiên, lớn rồi phải lấy chồng. Tại số của tôi nó vậy, đành ráng cưới chứ biết làm sao hơn!”. Trong khi đó, cuộc hôn nhân của chị Oanh, một phụ nữ thành đạt cũng chẳng mấy toàn tâm toàn ý. Cứ ngỡ mình sẽ vui duyên mới với một trái tim đầy ắp tình yêu, vậy mà…Lúc lấy chồng, chị Oanh đã quá tuổi ba mươi, kén cá chọn canh mãi cũng chẳng xong nên rốt cuộc, chị cũng xiêu lòng với ông xã mình bây giờ. Quen nhau đã lâu, hiểu hết những điều chưa tốt của nhau, thật lòng chị Oanh không thể tin mình có thể gắn bó hạnh phúc với một người đàn ông như vậy. Nhưng dứt bỏ hết để làm lại từ đầu chị lại…không dám. Theo chị, thời gian đâu còn nữa để chần chừ, lưỡng lự vả lại gia đình cũng muốn chị được yên bề gia thất. Vậy là cưới, trong khi lòng vẫn đinh ninh sau dăm ba năm, nếu có chia tay cũng… chẳng có gì lạ.

Ở phụ nữ, áp lực tuổi tác luôn quan trọng, cộng thêm tâm lý mệt mỏi không muốn bắt đầu một mối quan hệ mới đã khiến không ít người dù biết rõ “mười mươi” mình không hợp tính người yêu, có cưới nhau rồi cũng chẳng sung sướng, hạnh phúc gì, nhưng vẫn cố làm cho xong bổn phận, trách nhiệm. Kết thúc bằng một lễ cưới linh đình cho nở mặt với gia đình, bạn bè, rồi sau đó “hậu xét”. Một số trường hợp, đến gần ngày cưới cô gái mới tâm sự với người thân rằng trái tim mình hướng về người khác, nhưng người đó lại không thể cho cô một đám cưới như ý. Thế là đành…nhắm mắt xuôi tay cho số phận.

Ảnh MH
Ảnh MH

Rào cản tính cách

Bạn bè và người thân thường thắc mắc tại sao hai người họ lại có thể nên duyên vợ chồng. Chị Trinh là một phụ nữ chịu thương, chịu khó, tính tình lại mềm mỏng, hiền hòa ngược lại với anh Thân, chồng chị tính lại nóng như Trương Phi. Quen nhau từ lúc ngồi giảng đường ĐH, lúc đầu chị Trinh cũng cảm thấy sợ tính khí của người yêu, nhưng mỗi lần giận hờn anh Thân đều “xuống nước” trước nên chị cứ cho qua. Chuyện cưới xin cũng do anh Thân làm áp lực với chị. Anh thường nửa đùa nửa thật: “Mình quen nhau đã lâu, không lấy nhau được không khéo em bị…mang tiếng nhiều hơn anh đó!”. Chị Trinh tuy không thích, nhưng ngẫm nghĩ cũng có lý nên đành xuôi theo. Kết quả, lấy nhau ngần ấy năm mà tính nóng nảy của anh Thân ngày càng “bộc phát”, còn chị Trinh dù biết mình sai lầm khi chọn anh nhưng với bản tính chịu đựng, chị cứ sống như một cái bóng lầm lũi bên cạnh chồng.

Lấy chồng trong tâm thế “có thể bỏ nhau bất cứ lúc nào” nên không có gì lạ, khi hai người trong cuộc đều phải đối mặt với một cuộc sống chung đầy sóng gió. Có người âm thầm chịu đựng cho qua ngày đoạn tháng, nhưng cũng có người chọn con đường chia tay như một bước định sẵn trong “hợp đồng” hôn nhân của mình như tính toán từ trước. Tuy nhiên, cũng có người cố gắng thực hiện thái độ tích cực hơn như giải pháp cứu vãn cuộc hôn nhân, nhằm cải thiện hiện trạng và kết quả cũng không kém phần khả quan. 

Phần thưởng thuộc về ai?

Sau ngày cưới chẳng bao lâu, anh Ân, chồng chị Hoài tiếp tục lười chảy thây. Suốt ngày, anh cứ tụm năm tụm ba với đám bạn vô công rồi nghề, hết ăn nhậu lại chơi cờ…Chị Hoài cảm thấy ngán đến tận cổ nhưng suy đi nghĩ lại, đã thành vợ thành chồng chẳng lẽ dứt gánh ra đi cái một hay sao. Thôi, cứ còn nước còn tát thử xem sao. Nói là làm, chị vận động gia đình đôi bên để nhờ nói giúp, với hi vọng chồng mình sẽ thay đổi. Mặt khác, chị cũng dành thời gian chăm sóc cho chồng nhiều hơn thay vì cằn nhằn, gắt gỏng anh mỗi khi không vừa ý. Bằng những hiệu chỉnh”lạt mềm buộc chặt” ấy mà sau một thời gian, anh Ân đã bớt được chút ít chuyện nhậu nhẹt, có được công việc tạm ổn và muốn ở nhà nhiều hơn.

Lấy vợ rồi, lòng anh Huân vẫn còn vấn vương mối tình đầu không thành. Chị Thắm, vợ anh cũng chẳng mấy tình cảm, chẳng qua gia đình đôi bên có mối quan hệ tốt từ xưa, lại thêm chị Thắm cũng có tuổi nên hai người trong cuộc đành chấp nhận gá nghĩa cùng nhau. Sau ngày cưới, đã có một khoảng thời gian vợ chồng họ cư xử với nhau như khách trọ trong nhà. Tan sở, chị Thắm cũng chẳng buồn về nhà vì không khí gia đình buồn và ảm đạm quá. Biết chồng vẫn còn tơ tưởng người xưa, nên ngay cả chuyện gần gũi vợ chồng, họ cũng chỉ chiếu lệ cho xong. Lúc đó, chị Thắm vẫn ngỡ mình sẽ làm giống như dự tính từ trước lúc cưới: Ráng có với nhau một đứa con rồi li dị, nuôi con một mình. Thế nhưng, sự ra đời của đứa con đầu lòng bỗng chốc làm thay đổi tất cả. Mọi người đều bắt đầu có ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của mình. Những hàn gắn vụng về, nhưng tích cực cứ liên tục được thực hiện. Những lo lắng, chăm sóc con khiến hai vợ chồng chị xích lại gần nhau tự lúc nào không biết. Rồi chị Thắm chợt nhận ra rằng, thay vì để cuộc hôn nhân lao xuống vực thẳm như một chiếc xe không phanh, nếu mỗi người đều vun xới một tay, trò chuyện thẳng thắn với nhau, tin vào điều kì diệu thì nó sẽ đến. Bên cạnh những đắng cay vì yêu theo bổn phận, vẫn có những kết thúc có hậu với cả những cặp ngày cưới đến với nhau chưa trọn lòng, một khi cả hai cùng nhìn về một hướng để đảo chiều tình thế.

Ca Dao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.