Thế giới số là môi trường giúp con người có thể học tập và sinh sống tốt hơn. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể đối diện với nhiều nguy cơ khi “lạc” trong thế giới ảo.
“Con dao hai lưỡi”
Xã hội ngày càng hiện đại, kéo theo đó là những tiện ích và hiệu quả của các sản phẩm công nghệ có ảnh hưởng quan trọng không chỉ đến người lớn mà còn tác động đến cả trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Song, công nghệ cũng được xem là “con dao hai lưỡi”, khi có nguy cơ gây ra những tác hại đối với sự phát triển của trẻ em.
Nhìn vào mặt trái của công nghệ hiện đại, chắc hẳn không ít phụ huynh không cảm thấy đáng buồn trước thực trạng trẻ ham chơi điện tử, nghiện game và đắm mình vào thế giới “ảo”. Điều đó khiến trẻ dần đánh mất tuổi thơ đúng nghĩa và lãng quên cuộc sống thật, đồng thời gây ra tác hại nghiêm trọng. Thậm chí, rất nhiều trường hợp vì quá say mê với thế giới ảo đã gây ra những hành vi phạm pháp, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ.
Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với Internet, mạng xã hội, game online từ rất nhỏ. Thậm chí, không ít trường hợp đam mê, thích thú với đời sống ảo mà quên ăn quên ngủ nếu cha mẹ không đặt ra giới hạn nhất định.
Không chỉ với nhóm trẻ sống trong gia đình có điều kiện mới có thể sở hữu những món đồ công nghệ hiện đại, hầu như nhiều trẻ em, đặc biệt là ở thành phố, thường dễ dàng có thể sở hữu một chiếc điện thoại, máy tính bảng, hay máy tính… để có thể truy cập vào mạng và thỏa sức làm những gì mình muốn.
Tình trạng sống ảo và phụ thuộc quá nhiều vào Internet có thể khiến trẻ có những hành vi ảnh hưởng xấu đến nhân cách, đạo đức.
Ví dụ, chúng có thể sẽ mắc phải những lỗi như nói dối, lười học, hoặc ăn cắp tiền của bố mẹ, người quen để đi chơi điện tử. Nguy hiểm hơn, trẻ còn có thể gặp phải những triệu chứng nguy hiểm do mạng xã hội đem lại như trầm cảm, tự kỉ, những hành vi đi ngược đạo đức, lối sống lành mạnh và gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà không ai có thể lường trước.
Không ít những vụ việc được phát hiện do trẻ nghiện game dẫn đến chết gục trên bàn phím, bỏ nhà đi, đánh nhau, thậm chí giết bạn chỉ vì những xích mích trên mạng… Điều đáng nói nữa là tình trạng chửi bậy, nói tục ở trẻ em cũng trở nên phổ biến.
Thực tế, nghiện online, lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại trên tay để check in, chụp ảnh sống ảo có lẽ đang là “căn bệnh” của nhiều người trẻ.
Để có được những bức ảnh lung linh trên mạng xã hội, các cô gái, chàng trai phải liên tục chụp ảnh, chỉnh sửa qua rất nhiều ứng dụng. Vì thế, thời gian mà họ dành cho chiếc điện thoại có khi còn nhiều hơn dành cho gia đình, bạn bè.
Không riêng gì giới trẻ, con người ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những ông bố bà mẹ thay vì dành thời gian cho gia đình, con cái, họ vùi đầu vào công việc và công nghệ nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày.
Con người trẻ hiện đại, thay vì vun vén cho hạnh phúc gia đình, họ đã dành thời gian “tô vẽ” cho cuộc sống ảo trên Facebook, bằng những hình ảnh hạnh phúc, đầy yêu thương để “câu” like. Nhưng đằng sau những trạng thái màu hồng ấy lại là những con người cúi đầu, trong mắt chỉ có điện thoại, hoàn toàn không dành thời gian cho những người xung quanh.
Khi trẻ lãng quên thế giới thực
Tại Nghệ An, năm 2021, một vụ án chấn động dư luận khi một học sinh lớp 11 khai nhận đã “làm theo trò chơi điện tử” để bắt cóc em bé 5 tuổi gần nhà đem giấu trong rừng. Sự kiện trên đã dẫn đến cái chết thương tâm của bé.
Trước đó, vào năm 2019, một thanh niên nghiện game, có những biểu hiện bất thường về tâm thần ở Thanh Hoá đã xông vào trường tiểu học dùng dao đâm cô giáo và một số học sinh, khiến một trẻ tử vong.
Chị Nguyễn Thị Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai 12 tuổi bị “nghiện” xem điện thoại đến mức bé xuất hiện những biểu hiện, hành vi không bình thường, như: Có thể xem điện thoại quên ăn, quên ngủ; thường la hét, văng tục với người lớn khi nhu cầu xem điện thoại, máy tính không được đáp ứng.
Trẻ cũng thường xuyên mất tập trung khi ngồi học và chỉ thích chơi game, nói chuyện về những nhân vật hoạt hình hằng ngày xem trên Internet.
Mặc dù nhận ra những biểu hiện của con, nhưng chị Oanh cho biết đã “tặc lưỡi” bỏ qua. Bởi, chị nghĩ rằng, thời buổi này, trẻ nào cũng ham điện thoại. Đỉnh điểm là chị Oanh phát hiện con thường xuyên thức thâu đêm và “lạc” vào thế giới ảo. Khi đó, chị mới hoảng hốt và hối hận vì đã không can thiệp vào chuyện này sớm hơn.
Chị Oanh chia sẻ đã cho con tiếp xúc với điện thoại từ khi bé chưa đầy 2 tuổi. Ngày đó, mỗi lần cho bé ăn, chị thường đưa cho con chiếc điện thoại đã mở sẵn quảng cáo. Mỗi lần như vậy, bé ăn ngoan, nhanh hơn. Sau đó, trẻ quen dần, hôm nào không được xem điện thoại thì sẽ không ăn. Do đó, chị Oanh đành chiều theo ý con.
Mỗi khi bận công việc, nữ phụ huynh này lại đưa cho con chiếc điện thoại để không bị làm phiền. Sau mỗi buổi chiều đi học về và sau bữa cơm tối, để có thời gian nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cũng như nghỉ ngơi, chị tiếp tục đưa điện thoại cho con.
Thậm chí, khi trẻ lớn hơn một chút, chị còn mua một chiếc điện thoại mới để dùng và giao luôn cho con chiếc điện thoại cũ. Mới 3 tuổi rưỡi, bé đã thành thạo các thao tác tìm kiếm những bộ phim hoạt hình và trò chơi trên mạng.
Ban đầu, chị Oanh tự hào khoe với mọi người rằng, con mình vô cùng thông minh. Song, hiện tại, lực học của con chị Oanh luôn thuộc nhóm cuối của lớp. Trẻ cũng không thích ra ngoài đi chơi, không tập trung vào câu chuyện với cha mẹ, phản ứng chậm trong mọi tình huống và chỉ hứng thú với “đời sống ảo”. Khi đó, chị mới thực sự hiểu được tác hại của việc “thả nổi” con cho mạng Internet.
Điều tiết thời lượng dùng Internet
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), việc giáo dục và truyền thông những tác hại của lạm dụng Internet và cách hướng dẫn về việc sử dụng mạng một cách an toàn, hiệu quả phải được đẩy mạnh trong nhà trường.
Những kỹ năng về cách tự bảo mật thông tin cá nhân, chống nguy cơ bắt nạt, xâm hại trên không gian mạng cần được chú trọng như một kỹ năng sống cho học sinh trong thời hiện đại. Bên cạnh đó, đối với những người đã được xác định lạm dụng Internet, phải có mô hình can thiệp trị liệu hỗ trợ.
Cũng theo chuyên gia này, mối quan hệ gia đình có thể được xem là nền tảng cho việc phát triển tinh thần lành mạnh ở trẻ em. Một bữa cơm chung không dùng thiết bị điện tử có thể giúp cha mẹ, con cái lắng nghe và quan tâm nhau hơn. Đó cũng là cách cha mẹ dạy cho con hiểu về những giá trị tốt đẹp thực tế bên ngoài không gian ảo.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến cáo trẻ dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc màn hình các thiết bị điện tử hơn một giờ mỗi ngày. Đồng thời, WHO khuyến cáo cấm tuyệt đối trẻ dưới 1 tuổi sử dụng tivi và các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần có vai trò của cha mẹ là người trực tiếp chăm sóc và giáo dục trẻ tại gia đình.
Chuyên gia Nguyễn Toàn Thiện cho biết, việc phụ huynh kiểm soát và điều tiết thời lượng sử dụng Internet của con mình là hết sức cần thiết. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải thiết lập các quy tắc gia đình về việc sử dụng Internet để giúp con tránh nghiện sử dụng mạng.
Ngoài ra, khi muốn giảm bớt một hành vi tiêu cực, phụ huynh cần tìm cách củng cố gia tăng một hành vi tích cực khác của trẻ, như tham gia các sinh hoạt cộng đồng, thiện nguyện, thể thao hay thậm chí là làm việc nhà. Thay vì cấm đoán một cách căng thẳng, cha mẹ nên cùng trẻ thảo luận để xây dựng bảng thời gian biểu hợp lý. Qua đó, giúp cân bằng giữa việc nghỉ ngơi, giải trí và học tập kỹ năng.
Cha mẹ cũng cần là một tấm gương cho con về việc kiểm soát tốt thời gian sử dụng Internet. Gia đình có thể quy ước cùng nhau về những thời điểm “Nói không với Internet” để có thể hiện diện cùng nhau trong bữa ăn tối, ngày cuối tuần.
Sức hấp dẫn khó cưỡng của điện thoại thông minh đã khiến không ít phụ huynh trở nên xao nhãng, thiếu quan tâm và gần gũi con. Điều đó khiến trẻ cảm thấy cô độc, như bị bỏ rơi trong chính tổ ấm của mình. Thậm chí, trong nhiều gia đình, những chiếc điện thoại thông minh bỗng biến thành “con mọn”, “con cưng” được cha mẹ chăm chút, chiếm dụng hầu hết mọi khoảng thời gian rảnh.