Sáng 14/11, UBND tỉnh An Giang phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang cho biết, kênh Vĩnh Tế là một công trình lịch sử vĩ đại ở ĐBSCL đầu thế kỷ XIX.
Trải qua hai thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Kênh là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đem lại nhiều nguồn lợi cho cư dân vùng. Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế còn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg, ngày 15/11/2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định kênh Vĩnh Tế nằm trên hành lang biên giới từ tỉnh Long An đến tỉnh Kiên Giang, chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Kênh này tạo nên hành lang kinh tế nối liền các cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên, Vĩnh Xương (An Giang) với cảng biển Hà Tiên (Kiên Giang). Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nông sản một cách nhanh chóng và tiết kiệm.
TS Ngô Quang Láng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử An Giang, cho hay, suốt 200 năm qua (1824-2024), kênh Vĩnh Tế luôn là một biểu tượng hào hùng ở ĐBSCL về một thời mở đất, lập làng gắn liền với công lao, xương máu của tiền nhân trong sự nghiệp giữ đất, bảo vệ chủ quyền miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc.
Thông qua Hội thảo nhằm làm rõ giá trị lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của kênh Vĩnh Tế - một công trình thủy lợi lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của vùng đất An Giang và Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, đề xuất những giải pháp phát huy giá trị của kênh Vĩnh Tế trong thời kỳ phát triển và hội nhập.