Kem dưỡng da từ cây rau sam

GD&TĐ - Viện Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm Thiên nhiên đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kem dưỡng da từ cây rau sam.

Rau sam mọc nhiều trong tự nhiên và có tác dụng tốt với sức khỏe.
Rau sam mọc nhiều trong tự nhiên và có tác dụng tốt với sức khỏe.

Kích thích tổng hợp collagen, chống lão hóa

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Viện Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm Thiên nhiên vừa chủ trì đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất kem dưỡng da từ cây rau sam (Portulaca oleracea L. C.A. Mey)” với nội dung nghiên cứu xây dựng vùng trồng dược liệu cây rau sam theo quy trình VietGAP.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, rau sam là loại thực vật phổ biến ở Việt Nam, là cây dễ trồng và chăm sóc. Các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của rau sam như bảo vệ thần kinh, hỗ trợ điều trị tiểu đường, có khả năng chống oxy hóa, kháng khuẩn, bảo vệ gan và chống viêm. Ngoài ra, cao chiết từ rau sam còn được nghiên cứu về công dụng trong chăm sóc da như chống lão hóa, làm trắng da và cải thiện các nếp nhăn trên da.

Cao chiết rau sam được sử dụng cho các nghiên cứu hoạt tính sinh học trên da như chống oxy hóa, thu dọn gốc tự do và chống lão hóa và ức chế hoạt tính của tyrosinase, enzyme tạo sắc tố gây nám da melanin. Cao rau sam có hoạt tính kích thích sinh tổng hợp collagen trong cơ thể, chống lão hóa tốt.

Theo TS Hương, thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam đang được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, doanh thu lớn. Nhưng trên thị trường, các thương hiệu của Việt Nam còn rất ít. Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tần suất xuất hiện của các loại mỹ phẩm trong nước ngày càng nhỏ bé.

Một thực trạng đáng chú ý, các mặt hàng của doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được phân khúc giá rẻ của một số ít người tiêu dùng. Trong khi đó, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc bản thân của cả hai giới ngày càng gia tăng, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã trở thành “miếng bánh” hấp dẫn cho các thương hiệu thế giới vào khai thác.

Nhận thấy những hoạt chất đáng quý trong rau sam đang bị lãng quên, TS Hương quyết định nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất này để bào chế sản phẩm kem với quy trình ổn định 50.000 lọ/lô sản xuất. Công nghệ do dự án hoàn thiện với mục đích tạo ra được nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, tiết kiệm dược liệu, tiết kiệm dung môi và năng lượng, thân thiện với môi trường, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.

Sản phẩm được sản xuất ở quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, có thêm một sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, chất lượng tốt, giá cả phù hợp cho khách hàng lựa chọn.

Nguyên liệu trồng rau sam để sản xuất mỹ phẩm yêu cầu rất cao về quy trình chăm sóc. Rau sam không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ sử dụng lượng phân bón hóa học nhất định, không dùng thuốc bảo vệ thục vật. Rau dược liệu phải bảo đảm dư lượng một số kim loại nặng theo quy chuẩn, giới hạn nhiễm khuẩn đều đạt so với quy định trong Dược điển Việt Nam.

Đã xây dựng quy trình sản xuất dược liệu rau sam tại xã Hát Môn cho năng suất và chất lượng dược liệu tốt. Đã xây dựng được vùng trồng dược liệu 1ha tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, (Đông Hòa, Phú Yên) theo quy trình VietGAP. Đã đánh giá chất lượng dược liệu sau khi thu hoạch tại mô hình, đạt yêu cầu so với Dược điển Việt Nam 5 và độ an toàn về hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật có hại.

Đưa ra điều kiện tối ưu đối với quy trình chiết bán tự động cao rau sam quy mô 10 - 20 - 50 kg/mẻ: Rau sam cắt nhỏ với kích thước 15 - 20cm, được chiết trong hệ thống ngấm kiệt bán tự động với tỷ lệ dược liệu/dung môi là 1/10; Tốc độ của rút dịch chiết và tốc độ di chuyển của dược liệu là 15/15. Tổng thời gian chiết là 22 giờ.

Dưỡng da an toàn

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, kem dưỡng từ rau sam có khả năng diệt khuẩn, phòng ngừa được nhiều loại bệnh về da, cũng như phòng và điều trị mụn. Lượng vitamin A trong rau sam có tác dụng kích thích hồi phục các vết thương hở rất tốt, cũng hạn chế sự nhiễm trùng, hỗ trợ tốt cho quá trình sống dậy của làn da sau các liệu trình điều trị phức tạp và gây nhiều tổn thương để loại bỏ tận gốc những yếu tố độc hại.

Vitamin A ngoài công dụng kích thích chức năng nội bào, còn có khả năng kích thích sự sản sinh và tái hồi phục tự nhiên. Cùng một khối lượng, thì hàm lượng chất béo omega 3 trong rau sam còn nhiều hơn cả dầu cá. Việc giàu omega 3 giúp cho rau sam có thể hỗ trợ da tăng cường cho lớp lipid béo tầng biểu bì, đưa làn da vào trạng thái ổn định và cân bằng.

Các nghiên cứu tại Viện Đại học Wollongong, Úc và Trung tâm Di truyền - Dinh dưỡng - Sức khỏe Washington, Mỹ đã cho thấy rau sam rất giàu chất dinh dưỡng, các axit béo không no và là chất chống oxy hóa hữu hiệu.

Người Trung Quốc cũng thường dùng rau sam để chữa mụn trứng cá theo nhiều cách. Họ chọn hái những ngọn rau sam mọc cao trên mặt đất, rửa sạch phơi khô để dùng dần. Mỗi ngày dùng 10g rau sam khô sắc với 600ml nước, đun sôi nhỏ lửa cho cạn bớt còn khoảng 300ml nước thì rót ra, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Nếu cho thêm 5g rau diếp cá khô (hoặc 15g tươi) thì hiệu quả càng tốt. Dùng rau sam tươi, giã nát, vắt lấy nước cốt, bôi lên những chỗ da có mụn trứng cá ngày 2 - 3 lần. Có thể kết hợp với lá diếp cá tươi theo tỷ lệ 1 phần rau sam, nửa phần rau diếp cá, cách làm tương tự nhưng cho hiệu quả cao hơn.

Trong dân gian, người ta sử dụng rau sam làm mờ sẹo, nám, trị rụng tóc, thậm chí là chữa hôi nách. Rau sam có rất nhiều tiềm năng để ứng dụng nếu được nghiên cứu bài bản theo từng hướng cụ thể.

Dự án đã xây dựng được công thức bào chế kem sam và tối ưu hóa quy trình bào chế từ quy mô phòng thí nghiệm mở rộng ra quy mô công nghiệp; đánh giá được hiệu quả tác dụng và tính an toàn của các sản phẩm trên thử nghiệm lâm sàng.

Dự án đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm kem sam, cao sam và dược liệu rau sam; tổ chức 2 hội thảo giới thiệu và quảng bá sản phẩm kem sam. Dự án đã xây dựng hồ sơ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ là Công ty Cổ phần ELEMENTO Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.