Rà soát các khâu, thiết kế lại chương trình đào tạo
Trước GS Trường ĐH Sunshine Coast trong buổi kết thúc khóa học Quản trị và lập kế hoạch chiến lược do Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực tổ chức (Aus4Skills), PGS.TS Nguyễn Thế Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã trình bày kế hoạch chiến lược của nhà trường, khiến các chuyên gia nước ngoài rất ấn tượng. Mục tiêu đặt ra là phát triển nhà trường theo hướng nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm khoa học đột phá, có giá trị thương mại trên thị trường và xuất bản các nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín. Nghiên cứu là hoạt động chính kiến tạo việc làm cho các khoa và cán bộ nhân viên của nhà trường.
Cùng đó, đào tạo sinh viên theo hướng đa ngành, đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Thực hiện các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA (Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Tất cả sinh viên tốt nghiệp đều được đảm bảo việc làm và thành công trong công việc.
Bên cạnh đó, phát triển hệ thống quản trị đại học hiện đại, thu hút các cơ quan, nhà khoa học và các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc và sinh viên quốc tế đến học tập. Đa dạng hóa các nguồn thu nhập của nhà trường để cải thiện thu nhập cho cán bộ nhân viên và không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng phụ vụ đào tạo và nghiên cứu.
Và không chỉ nằm trên giấy, nhà trường đã có những khởi động cụ thể: Ngay trong năm 2018, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã tiến hành rà soát lại toàn bộ kế hoạch chiến lược của nhà trường; rà soát và xây dựng đề án tái cấu trúc bộ máy nhà trường để làm việc hiệu quả nhất, xây dựng vị trí việc làm gắn với chỉ số đánh giá công việc được giao; lập một nhóm chuyên về xây dựng phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu của xã hội…
Trường cũng đang xây dựng một hệ thống khảo thí đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á và vận hành 3 chương trình tiên tiến, nhập chương trình về trọn gói, mời giáo viên sang giảng dạy.
Góc nhìn sâu về vai trò Hội đồng trường
Sau chuyến “du học ngắn hạn” tại Úc, PGS.TS Nguyễn Thế Hùng rất ấn tượng với những gì tìm hiểu được về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường tại các trường ĐH Úc. Đây cũng là điều vị lãnh đạo trường ĐH trăn trở suy nghĩ với tương lai tự chủ của nhà trường.
Theo PGS Thế Hùng, ở Úc, Hội đồng trường quyết định chiến lược phát triển, còn Ban Giám hiệu, Hiệu trưởng là người thực thi chiến lược đó. Điều rất hay là trong khi người thực thi – do còn phải lo “cơm áo gạo tiền” - nên khi xây dựng chiến lược thường sẽ có cái nhìn ngắn hạn. Còn Hội đồng trường thì chỉ chuyên tâm xây dựng chiến lược, không phải lo lắng điều gì khác nên sẽ có tầm nhìn dài hạn. Kết hợp được tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn sẽ cho ra một chiến lược rất tốt. Đây chính là điều các trường ĐH Việt Nam hiện nay đang thiếu khi ít nghĩ đến tầm nhìn 15 - 20 năm.
Bên cạnh đó, ở các nước, Hội đồng trường bổ nhiệm hiệu trưởng và hiệu trưởng làm theo yêu cầu của Hội đồng trường theo chiến lược chung đã đề ra. Trong khi ở Việt Nam, giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng chưa có một cơ chế thực sự rõ ràng. PGS Nguyễn Thế Hùng nhận định: “Bây giờ làm sao Hội đồng trường bổ nhiệm Hiệu trưởng và có trách nhiệm tạo điều kiện để hiệu trưởng hoạt động tốt. Nếu hiệu trưởng không làm việc tốt, chính Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm. Nếu có một cơ chế như vậy thì thật là tuyệt vời!”.
Liên quan đến hệ thống giám sát tại trường ĐH, PGS Thế Hùng nhận xét thường văn phòng đảm bảo chất lượng của trường ĐH lại dưới quyền hiệu trưởng. Nhưng mô hình ở các trường ĐH thì Hội đồng trường cần có một bộ phận chuyên trách kiểm tra, giám sát những việc hiệu trưởng làm có hiệu quả hay không, cần điều chỉnh gì. Có như vậy việc đảm bảo chất lượng trường ĐH mới khách quan, hiệu quả.
Thay đổi tư duy lãnh đạo, quản lý
“Với một trường ĐH thành viên thuộc ĐH vùng thì việc tự chủ như thế nào cũng đang là câu hỏi lớn về cơ chế quản lý. Nhà trường mong sớm tháo gỡ nút thắt này để được tự chủ toàn diện”.
PGS.TS Nguyễn Thế Hùng
PGS.TS Nguyễn Thế Hùng cũng rất trăn trở với câu hỏi làm thế nào để một trường ĐH phát triển bền vững, cho dù trường được điều hành bởi bất cứ lãnh đạo nào. Câu trả lời được vị chuyên gia đưa ra, đó là vấn đề phân quyền trong trường ĐH. PGS Thế Hùng phân tích: Nếu không phân quyền thì các cá nhân sẽ không có trách nhiệm, đồng nghĩa với hệ thống 1 người nói, 1.000 người làm, như thế thì không thể phát triển được. Nhưng nếu hiệu trưởng phân quyền cho các đơn vị, các đơn vị phân quyền xuống các tổ, các tổ phân quyền xuống cho cá nhân thì ai cũng có quyền, ai cũng có trách nhiệm khiến cả bộ máy vận hành nhịp nhàng theo chiến lược đã đề ra ngay cả khi hiệu trưởng không ra quyết định hoạt động.