Kế hoạch giãn cách xã hội sau ngày 15/9 ở thành phố Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ, để bảo vệ những kết quả đạt được, chúng ta nên chịu khó một thời gian nữa để các kết quả này được bền vững hơn; “mở thì phải an toàn” là nguyên tắc xuyên suốt.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Ảnh: Huyền Mai.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Ảnh: Huyền Mai.

Phát biểu tại buổi họp báo cung cấp một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian qua, rất nhiều quốc gia có trình độ phát triển, tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cao, hệ thống y tế tốt hơn TP Hồ Chí Minh và Việt Nam, sau thời gian dài giãn cách cũng bắt đầu có kế hoạch mở cửa. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều nước đã dẫn đến tình trạng bùng phát lại dịch bệnh.

“Chúng tôi biết mong muốn của người dân, doanh nghiệp là được mở cửa, phục hồi các hoạt động sinh hoạt bình thường, các hoạt động kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để bảo vệ những kết quả chúng ta đạt được, chúng ta nên chịu khó một thời gian nữa để các kết quả này được bền vững hơn”, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ.

Theo ông, “mở thì phải an toàn” là nguyên tắc xuyên suốt.

Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ: “Thành phố thấu hiểu mong muốn của người dân nhưng để thận trọng, an toàn, chúng tôi cần kéo dài một thời gian. Mong rằng bà con, doanh nghiệp cùng chia sẻ lo lắng và đồng cam cộng khổ cùng TP Hồ Chí Minh trong một thời gian nữa. Có thể từ đây đến cuối tháng, chúng ta có thể mở dần ở những địa bàn có chuyển biến tốt hơn, các ngành có điều kiện”.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố mong muốn cả hệ thống chính trị và người dân thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch để đạt kết quả cao nhất. Tất cả nhằm từ nay đến cuối tháng, thành phố không cần chần chừ, cân nhắc như thời điểm này mà có thể mở lại ở mức độ nào đó các sinh hoạt bình thường và hoạt động kinh tế xã hội.

Kế hoạch của thành phố sau ngày 15/9

Theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, bên cạnh những kết quả tích cực, TP Hồ Chí Minh vẫn có một số tiêu chí chưa hoàn thành. Do đó, để đảm bảo kết quả phòng chống dịch được bền vững hơn, có sự chuẩn bị thêm cho giai đoạn phục hồi, mở cửa, thành phố quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 16 dự kiến đến cuối tháng 9.

Trong đó, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như Cần Giờ, Củ Chi, quận 7, Phú Nhuận, Nhà Bè, quận 5, quận 11 có thể áp dụng theo tinh thần Chỉ thị 16- hoặc 15+.

Từ nay đến cuối tháng 9, thành phố sẽ tập trung củng cố các kết quả, tập trung cho hoạt động tiêm vắc xin. Cụ thể, thành phố phấn đấu đạt tỉ lệ người dân được tiêm ngừa Covid-19 mũi 1 cao nhất; tăng tốc tiêm mũi 2 để đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin. Đây cũng là điều kiện để thành phố nhanh chóng mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thành phố cũng tiếp tục củng cố năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, củng cố trạm y tế cố định, phát triển thêm trạm y tế lưu động, quan tâm đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế công cộng. Qua đó, mở rộng năng lực điều trị, nâng khả năng tiếp nhận, điều trị của hệ thống y tế.

Cùng với đó, thành phố chuẩn bị kĩ kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9 trở đi. Trong tuần này, thành phố sẽ hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân. Từ đó, giúp kế hoạch đáp ứng mục tiêu vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa mở cửa, phục hồi nền kinh tế.

Song song việc chuẩn bị kế hoạch phục hồi, thành phố tiếp tục mở rộng các thí điểm. Cụ thể, mở rộng thêm một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp như sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, giao hàng, phân phối, vận tải, logistic, viễn thông, báo chí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ công ích…

Giãn cách thời gian kéo dài, an sinh cho người dân là vấn đề hết sức quan trọng

Về công tác an sinh xã hội, ngày 13/9, Trung tâm an sinh TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận các mặt hàng nhu yếu phẩm gồm gạo, lạc... của đơn vị Viettel tỉnh Thái Nguyên trị giá hơn 109.200.000 đồng.

Hàng nhập kho để thực hiện các phần quà an sinh. Ngoài ra các kho đã hoàn thành và bàn giao các phần quà an sinh đến người dân trị giá 239.000.000 đồng.

Từ ngày 15/8/2021 đến 13/09/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.778.660 túi (trong ngày 13/9/2021 không phát sinh túi an sinh).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác an sinh xã hội cho người dân trong thời gian TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho hay, khi thực hiện giãn cách thời gian kéo dài, an sinh cho người dân là vấn đề hết sức quan trọng.

Thời gian vừa qua, thành phố đã có nhiều gói hỗ trợ (gói thứ nhất, gói thứ 2 gồm đợt 1, đợt 2). Ngoài hỗ trợ về tiền, thành phố cũng tiến hành cấp nguồn gạo hỗ trợ từ chính phủ đến các xã, phường, thị trấn, các túi an sinh cho người dân.

Hiện tại, thành phố đã cấp gần 6.500 tỷ đồng, trong đó, khoảng 1.400 tỷ vận động từ nguồn xã hội hoá, còn lại là từ ngân sách của thành phố.

Do thời gian giãn cách kéo dài, số lượng người dân gặp khó khăn ngày càng tăng, dẫn tới việc rà soát, thống kê danh sách tại các địa bàn chưa đầy đủ. Để khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc cập nhật ngay danh sách, thành phố cũng tính toán thêm gói hỗ trợ mới.

Chiều ngày 12/9, thành phố đã nhận được danh sách của 312 xã, phường, thị trấn, đây là danh sách cập nhật khá đầy đủ người dân khó khăn. Trong quá trình thực hiện phát các gói hỗ trợ, những trường hợp bị sót sẽ bổ sung ngay và thời gian tới, thành phố sẽ có gói hỗ trợ được tính theo tháng.

Về hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã hỗ trợ nơi ở, hỗ trợ xét nghiệp cho người lao động. Sắp tới, thành phố tiếp tục thu thập ý kiến doanh nghiệp để giúp cho công tác khôi phục kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ