Kế hoạch ghép phôi người với chuột: “Phát kiến” khoa học gây tranh cãi

GD&TĐ - Các phôi thai dị thường lai giữa người và chuột có thể sẽ sớm được phát triển tại Nhật Bản. Một nhóm nghiên cứu tại Nhật đã nhận được sự chấp thuận từ một ủy ban trong chính phủ quốc gia này trong việc tiến tới thí nghiệm đưa một loại tế bào gốc của con người vào phôi động vật. Khi đã ở trong phôi, các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) có thể phát triển thành các cơ quan cụ thể. Nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà nghiên cứu dự định cuối cùng sẽ phát triển các bộ phận cơ thể người trên các động vật khác…

Mô phỏng phôi được các nhà khoa học đưa ra
Mô phỏng phôi được các nhà khoa học đưa ra

“Cá nhân tôi nghĩ rằng điều này rất thú vị”, ông Ronald Parchem, một trợ lý giáo sư khoa Thần kinh tại Đại học Y Baylor ở Houston (Mỹ), nói về việc chính phủ Nhật Bản phê duyệt dự án này. “Nó mang tiềm năng to lớn trong việc giúp đỡ nhiều người đang mắc nhiều loại bệnh hoặc cần các loại mô hay nội tạng khác nhau”. Tuy nhiên, những câu hỏi về khoa học và đạo đức có thể sẽ phát sinh khi nghiên cứu này tiến triển. Nhật Bản đã tạo được cú sốc lớn vào tháng 3/2019, khi đảo ngược lệnh cấm phát triển tế bào người trong phôi động vật vượt quá 14 ngày tính từ thời điểm hình thành và cấy những phôi đó vào tử cung của một loài động vật thay thế. Sự đảo ngược này có ý nghĩa cực lớn đối với Hiromitsu Nakauchi, một nhà sinh học tế bào gốc tại Đại học Stanford và Đại học Tokyo (người đã theo đuổi dòng nghiên cứu này trong hơn một thập kỷ).

Hiện tại, nếu được phê duyệt chính thức vào tháng tới từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, nghiên cứu của Nakauchi có thể sẽ là nghiên cứu đầu tiên được phê duyệt theo các quy tắc mới của Nhật Bản. Nếu được chấp thuận, Nakauchi cho biết, ông dự định sẽ tiến hành từng bước nhỏ, đầu tiên là lập trình để phôi chuột không phát triển tuyến tụy, sau đó sẽ chuyển các tế bào iPS của con người vào các phôi đó, với hy vọng rằng tế bào được cấy ghép sẽ thực sự phát triển một tuyến tụy “người” trong phôi của loài gặm nhấm này. Sau khi phôi phát triển và được sinh ra dưới dạng một con chuột hoàn thiện, các nhà nghiên cứu có kế hoạch theo dõi những con nhỏ trong khoảng thời gian nhiều nhất là tới 2 năm. Giai đoạn này là mấu chốt, vì chính phủ đã đặt ra những hạn chế nhất định đối với nghiên cứu. Chẳng hạn, nếu các nhà khoa học tìm thấy có hơn 30% tế bào người trong bộ não của loài gặm nhấm, các nhà khoa học sẽ phải dừng thí nghiệm ngay để một động vật “nhân bản” không ra đời.

Về cơ bản, một số nhà khoa học và nhà đạo đức học lo ngại rằng nếu có quá nhiều tế bào người trong não chuột, thì “con chuột đó có thể có sự thay đổi về nhận thức hoặc khả năng tinh thần theo một cách nào đó”… Nhưng kịch bản này cũng khó có thể xảy ra, Nakauchi cho biết. Trong một thí nghiệm trước đó, ông đã đưa tế bào iPS của con người vào trứng cừu đã được thụ tinh và sau đó cấy phôi này vào một con cừu. Phôi lai đã bị phá hủy sau 28 ngày phát triển.

“Số lượng tế bào của con người phát triển trong cơ thể cừu là rất nhỏ, như 1 trên hàng nghìn hoặc 1 trên hàng chục nghìn” - Nakauchi nói - “Ở cấp độ đó, một con vật có khuôn mặt người sẽ không bao giờ được sinh ra”. Phương pháp của ông Nakauchi nghe có vẻ khoa học, vì nó không liên quan đến việc đưa tế bào của một loài vào phôi của loài khác - thứ không phải lúc nào cũng hoạt động. Và khi nó xảy ra, kết quả cuối cùng thu lại sẽ được gọi là chimerism, một hỗn hợp các tế bào từ hai hoặc nhiều sinh vật khác nhau…

Hiện tại, các nhà khoa học sẽ phải xem các thí nghiệm của Nakauchi tiến triển như thế nào. Như Nakauchi đã phát biểu: “Chúng tôi không mong muốn tạo ra các bộ phận cơ thể người ngay lập tức, nhưng điều này cho phép chúng tôi tiến hành nghiên cứu dựa trên bí quyết mà chúng tôi đã đạt được cho đến thời điểm này”.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.