Kế hoạch dạy học của giáo viên: Bản sắc của mỗi người

GD&TĐ - Giáo viên được phân công giảng dạy khối lớp 6 của các trường THCS bắt đầu tổ chức soạn giảng theo nhóm dựa trên nội dung đã được tập huấn.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).	Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Theo đó, sự khác biệt rõ rệt nhất trong xây dựng kế hoạch dạy học theo Chương trình, SGK mới là giáo viên phải xác định được mục tiêu để xây dựng các hoạt động dạy học phù hợp giúp HS hình thành và phát triển năng lực. 

Mã hóa các mục tiêu, hoạt động

Nhóm giáo viên Ngữ văn sẽ dạy lớp 6 năm học 2021 – 2022 của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã thảo luận, góp ý để cùng nhau soạn giảng dựa trên SGK đã được chọn.

Bài 2 Miền cổ tích của sách Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo, theo kế hoạch dạy học sẽ có thời lượng giảng dạy 14 tiết. Trong đó, 7 tiết Đọc và thực hành tiếng Việt, 2 tiết Viết, 2 tiết Nói - Nghe và một tiết dành cho Ôn tập. Ngoài mục tiêu chung khi xây dựng bài học, theo cô Nguyễn Thị Đô – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, để tránh trùng lặp, nhóm đã thống nhất sẽ mã hóa các mục tiêu cụ thể ở bảng mô tả năng lực và phẩm chất cần hình thành cho học sinh.

“Với cách mã hóa như vậy, trong phần soạn giảng ở tiến trình dạy – học, giáo viên sẽ không phải nhắc lại một cách dài dòng các mục tiêu nữa. Ví dụ, với năng lực đặc thù: Có 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, giáo viên sẽ mã hóa bằng các ký hiệu: Đ (1, 2, 3, 4, 5 là thể hiện mức độ), N: Nghe – Nói (1, 2: Mức độ): V: Viết; GT-HT: Giao tiếp – Hợp tác; GQVĐ: Giải quyết vấn đề.

Chính vì vậy, với các hoạt động dạy học cụ thể, giáo viên chỉ cần nhắc lại một cách ngắn gọn. Như hoạt động 2 của bài dạy là khám phá kiến thức, cột mục tiêu, bài soạn của chúng tôi chỉ có mấy chữ: Đ1, Đ2, Đ3, Đ4, Đ5, N1, GT-HT, GQVĐ. Nhìn vào đây, giáo viên và tổ chuyên môn, ban giám hiệu đều biết được các mục tiêu cũng như mức độ phân hóa theo nhóm đối tượng trong lớp học” – cô Đô dẫn chứng.

Với từng hoạt động, theo như nhóm giáo viên dạy Ngữ văn 6 của Trường THCS Nguyễn Huệ, giáo viên phải xác định sản phẩm của học sinh, từ đó mới tổ chức xây dựng các hoạt động của giáo viên và học sinh.

Cô Trần Thị Mỹ Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Chúng tôi bám theo hướng dẫn của Công văn 5512 và Công văn 2613 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, kế hoạch dạy học như một định hướng, trong đó có các hoạt động của giáo viên và học sinh để hướng tới mục tiêu cần đạt được.

Nhìn vào giáo án, có thể hình dung khá cụ thể một tiết học của giáo viên và học sinh. Nếu so sánh sẽ thấy giáo án cũ mang tính chất chung chung, ví dụ thầy nói A, học sinh nói B, những gì có trong SGK cũng được giáo viên đưa vào. Nhưng với giáo án soạn theo hướng dẫn mới, nội dung có trong SGK không cần thiết phải đưa vào nữa. Giáo án vì vậy là sự chủ động, sáng tạo của giáo viên”.

Học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NTCC
 Học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn tham gia hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NTCC

Giáo viên đổi vai

Cùng tham gia thảo luận, góp ý soạn giảng với các tổ chuyên môn, cô Trần Thị Mỹ Trinh cho rằng: Kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 được thực hiện theo tư duy của người thiết kế. Trong khi đó, giáo án hiện hành được thực hiện theo tư duy của người thi công. Kế hoạch bài dạy, vì vậy, được xem là bản thiết kế/kịch bản dạy học đối với bài học cụ thể của giáo viên. Nếu giáo viên làm tốt kế hoạch bài dạy thì tổ chức dạy học hiệu quả, sẽ đạt được mục tiêu bài học...

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Đô, cái khó của giáo viên là từ mục tiêu chung của bài học, cần xây dựng được mục tiêu của hoạt động gắn với các cấp độ nhận thức, phân loại đối tượng dạy học; các mục tiêu xây dựng được lượng hóa, cụ thể hóa thông qua hoạt động. Như vậy, tùy theo vùng miền, học sinh mà giáo viên xác định mục tiêu cần đạt phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng yêu cầu.

Để hoạt động dạy học hướng tới mục tiêu giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, cô Đô nêu quan điểm: Khi xây dựng kế hoạch dạy học, phải có sự hài hòa giữa các hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm. Trong kế hoạch giảng dạy bài Miền cổ tích, nhóm giáo viên Ngữ văn lớp 6 đã linh hoạt trong giao nhiệm vụ cho học sinh, có làm việc cá nhân, làm việc nhóm.

Thậm chí, ngay trong hoạt động làm việc nhóm để hoàn thành phiếu học tập, vẫn có những hoạt động nhỏ cho từng học sinh trong nhóm. Cô Đô dẫn chứng: “Với kỹ thuật Khăn trải bàn, từng thành viên trong nhóm suy nghĩ, ghi ra giấy ý kiến của cá nhân trong thời gian khoảng 3 phút. Sau đó, các thành viên tập hợp, thảo luận để thống nhất sản phẩm chung để hoàn thiện phiếu học tập. Như vậy, học sinh bắt buộc phải có sự đóng góp trong một hoạt động nhóm”. 

Trong hướng dẫn soạn giảng dạy học ở khối lớp 6 theo Chương trình GDPT mới cho giáo viên, chúng tôi nhấn mạnh, giáo viên được trao quyền chủ động trong kế hoạch dạy học. Vì vậy, trong soạn giảng có thể linh hoạt và sáng tạo, miễn sao thể hiện được tiết dạy sẽ như thế nào, các hoạt động dạy học trong một tiết học tổ chức ra sao. Học sinh làm việc thế nào, đánh giá nhận xét thế nào, sản phẩm mong muốn là gì… - Cô Lê Thị Hoàng Chinh (Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ