Theo số liệu từ Tổng hội Y học Việt Nam, ước tính nước ta hiện có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Số ca mới được chẩn đoán mỗi năm khoảng 8.000 ca. Trong khi đó, số ca bệnh cần lọc máu vào khoảng 800.000.
BS Trịnh Thị Thanh Hằng, Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều, trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout…
Bên cạnh đó, còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân suy thận mạn không nhận thức được tình trạng của mình. Hậu quả là rất nhiều người chỉ được phát hiện khi bệnh đã bước vào giai đoạn cuối.
Theo bác sĩ Phạm Thị Thúy, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, suy thận mạn tính được biết đến với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi, triệu chứng của bệnh tương đối mờ nhạt ở giai đoạn đầu, thậm chí bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Ở giai đoạn này, các cầu thận không bị tổn thương vẫn đủ sức gánh vác nhiệm vụ thay cho cầu thận bị tổn thương. Do đó, hầu hết người bệnh không tự phát hiện khi bị suy thận ở mức độ nhẹ. Khi có triệu chứng lâm sàng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đánh giá: “Bệnh thận mạn có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây. Bệnh viện đã ghi nhận trường hợp nam thanh niên 18 tuổi được phát hiện mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Hay bệnh nhân nam T.T.A, sinh năm 1997 (Long Biên, Hà Nội) không có triệu chứng gì, chỉ mệt đau đầu, đi khám thì phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay”.
Theo các bác sĩ, nguy cơ mắc suy thận mạn có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, lối sống không lành mạnh, như ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.