Kazuo Ishiguro - đường đến Nobel Văn học 2017

GD&TĐ - Giải Nobel Văn học 2017 đã thuộc về tác giả người Anh, gốc Nhật, Kazuo Ishiguro. Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển công bố Ishiguro được trao giải thưởng này vì “bằng những tiểu thuyết đầy cảm xúc, ông đã phát hiện ra những vực thẳm bên dưới cảm xúc bay bổng kết nối chúng ta với thế giới”.

Kazuo Ishiguro
Kazuo Ishiguro

Kazuo Ishiguro là thành viên Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh, từng đoạt các giải thưởng văn học danh giá của nước Anh như Whitbread và Booker Prize.

Ông được biết đến rộng rãi bên ngoài nước Anh và Nhật Bản, tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, và nhiều tiểu thuyết của ông đã trở thành hồn cốt cho những bộ phim sáng giá của Hollywood. Tuy nhiên, chân dung về nhà văn tài hoa này vẫn còn tương đối thầm lặng trong cõi nhân gian.

Thất bại ban đầu

Kazuo Ishiguro sinh ngày 8 tháng 11 năm 1954 tại thành phố Nagasaki, nơi từng hứng chịu thảm họa hạt nhân do quả bom nguyên tử thứ hai mà Mỹ ném xuống Nhật Bản.

Năm 1960, gia đình Ishiguro di cư sang Anh, đến thành phố Guildford. Cha của Kazuo, Shizuo Ishiguro, là một nhà hải dương học, sau khi đến Anh, ông tham gia công tác nghiên cứu tại Viện Hải dương học Quốc gia Anh Quốc.

Kazuo được cha mẹ cho đi học ở trường dành cho nam sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đi du lịch suốt một năm ở Mỹ và Canada. Để có tiền trang trải, ông đã phải chơi nhạc trong các câu lạc bộ như một nhạc công.

Được đánh giá là có chút năng khiếu về âm nhạc và chơi khá tốt nhiều loại nhạc cụ, Kazuo đánh liều ghi âm các bản nhạc do mình “trình diễn” và gửi bản thu âm cho các nhà sản xuất đĩa nhạc, nhưng con đường “đi lên bằng đôi chân âm nhạc” đã không mang lại thành công.

Năm 1974, Kazuo thi đỗ vào Trường Đại học Kent. Năm 1978, anh nhận bằng Cử nhân tiếng Anh và Triết học, rồi hai năm sau đó - nhận bằng Thạc sĩ văn học của Đại học East Anglia.

Kazuo Ishiguro lãng tử bên cây đàn guitar năm 1977

Kazuo Ishiguro lãng tử bên cây đàn guitar năm 1977 

Bước chân văn học

Sự nghiệp văn chương của Kazuo Ishiguro bắt đầu vào năm 1981, khi 3 truyện ngắn của ông xuất hiện trong một tuyển tập của các cây bút trẻ. Một năm sau, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, A Pale View of Hills (tạm dịch: Những ngọn đồi nhìn qua sương khói).

Tiểu thuyết nói về tính nhân bản và thân phận con người trong bối cảnh quá trình tái thiết thành phố Nagasaki sau thảm họa bom nguyên tử. Cuốn sách đã nhận được những lời phê bình tích cực, và đã được dịch ra 13 thứ tiếng.

Ngay sau khi cuốn sách này được xuất bản, Ishiguro đã được đề cử cho giải thưởng “Nhà văn Anh trẻ xuất sắc nhất”, và năm 1983 ông được chính thức trao tặng danh hiệu này.

Năm 1986, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết An Artist of the Floating World (tạm dịch: Nghệ sĩ của cõi nhân gian chìm nổi), một lần nữa đề cập đến chủ đề Nhật Bản trong Thế chiến II. Cuốn tiểu thuyết này đã giành được giải thưởng Whitbread của Vương quốc Anh dành cho cuốn sách hay nhất trong năm.

Cuốn tiểu thuyết thứ ba, The Remains of the Day (tạm dịch: Những mảnh thừa của một ngày), xuất bản năm 1989, đã mang lại cho Ishiguro giải thưởng uy tín Booker Prize ngay trong năm đó.

Tác phẩm đưa ra chủ đề về sự tuyệt chủng của các truyền thống dân gian, cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra và sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít.

Các nhà phê bình văn học đánh giá tác giả gốc Nhật này đã thành công trong nỗ lực tạo ra “một trong những tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất cuối thế kỷ XX” và so sánh Ishiguro với Joseph Conrad và Vladimir Nabokov, những người đã có thể viết nên những tiểu thuyết kinh điển bằng những thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ của mình.

Năm 1993, tác phẩm này đã được chuyển thể điện ảnh, trong đó các vai chính do hai diễn viên gạo cội Anthony Hopkins và Emma Thompson đảm nhận. Bộ phim được khán giả nước ngoài biết đến với tựa đề Lúc cuối ngày.

Năm 1995, Kazuo Ishiguro cho ra đời cuốn tiểu thuyết The Unconsoled, rất khác biệt với các tác phẩm trước đây của ông. Nếu trước đó thủ pháp ưa chuộng của tác giả là sự đan xen hiện tại với hồi tưởng quá khứ thì trong The Unconsoled, nhân vật chính phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện tại.

Cuốn tiểu thuyết này được coi là khó nhất về mặt văn phong, bút pháp, đầy ắp những ẩn ức văn chương và âm nhạc khác nhau.

Một số tác phẩm của Kazuo Ishiguro

Một số tác phẩm của Kazuo Ishiguro

Năm 2000, cuốn tiểu thuyết When We Were Orphans (tạm dịch: Khi chúng ta mồ côi) được xuất bản, với nội dung cốt truyện là cuộc điều tra của một thám tử tư về việc cha mẹ anh ta biến mất một cách bí ẩn 20 năm trước.

Tiểu thuyết Never Let Me Go (tạm dịch: Đừng buông thả tôi) của Kazuo Ishiguro phát hành năm 2005, đã được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết viết bằng bằng tiếng Anh hay nhất mọi thời đại.

Năm 2015, ông cho ra mắt tiểu thuyết The Buried Giant (tạm dịch: Người khổng lồ dưới mộ), nhưng tác phẩm này chưa kịp đưa vào danh mục các tác phẩm trình Hội đồng xét duyệt Giải Nobel xem xét. Tuy vậy, mặc dù không có tác phẩm này thì Kazuo Ishiguro vẫn hoàn toàn xứng đáng cho giải thưởng văn học lớn nhất hành tinh.

Không chỉ “chắc tay” trong lĩnh vực tiểu thuyết, Kazuo Ishiguro còn là tác giả kịch bản của một số bộ phim truyền hình dựa trên nội dung các tác phẩm văn học của chính mình.

Giải thưởng Nobel - sức mạnh để làm điều tốt

Cần biết rằng, sau khi theo cha mẹ di cư đến Anh, gần 30 năm sau, vào năm 1989, Ishiguro mới lần đầu tiên trở lại viếng thăm quê cha đất tổ của mình theo Chương trình Chuyến thăm Ngắn của Quỹ Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kenzaburo Oe (cũng là một người đoạt giải Nobel, nhưng trước Ishiguro đến 23 năm), nhà văn thừa nhận rằng bối cảnh Nhật Bản trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình là hoàn toàn do ông tự hình dung ra:

“Tôi lớn lên ở nước ngoài từ rất nhỏ, gần như chẳng nhớ gì về những trải nghiệm ấu thơ ở quê nhà, nhưng qua phim ảnh, sách báo, hình ảnh về nước Nhật đau thương thời hậu chiến luôn bám riết lấy đầu óc, tâm hồn tôi và trong tôi luôn có một kết nối cảm xúc mạnh mẽ với đất nước quê hương mình... Suốt thời gian ở Anh, tôi đã phát triển hình ảnh này trong đầu mình - một Nhật Bản trong hình dung của một đứa con xa”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Ishiguro cho biết:

“Cha tôi không phải là một sarariman Nhật Bản bình thường (Sarariman là thuật ngữ tiếng Nhật dành cho người làm việc trí óc (công chức nhà nước hoặc nhân viên của các công ty lớn) - BT) và cha mẹ tôi không có tâm lý của người nhập cư vì họ luôn nghĩ rằng họ sẽ trở về quê hương mình một ngày nào đó”.

Khi còn trẻ, Ishiguro thường xuyên tham gia công tác xã hội. Tại một sự kiện từ thiện ở Notting Hill, ông đã gặp người vợ tương lai, Lorne McDougell, người cũng làm việc trong lĩnh vực xã hội. Họ kết hôn năm 1986 và có một con gái. Những trải nghiệm của giai đoạn này chính là những tư liệu quý báu giúp Ishiguro viết nên cuốn tiểu thuyết Never Let Me Go (2005).

Cũng cần biết, Ishiguro còn là tác giả của nhiều bài hát mà ca sĩ nhạc jazz Stacey Kent trình diễn rất thành công. Trong âm nhạc, cũng như trong văn xuôi, ông luôn cố gắng thể hiện chủ nghĩa tượng trưng và sự kiềm chế ẩn dụ.

Tác phẩm của ông có một nhịp điệu cú pháp đặc biệt, và trong sâu thẳm, âm nhạc đã xuất hiện trong các tiểu thuyết như Never Let Me Go, The Unconsoled, Nocturnes: Five Stories of Music and Nightfall… Như đã biết, sau khi học xong phổ thông, Ishiguro đã sang Mỹ và Canada, lang thang kiếm sống bằng nghề nhạc công trong các câu lạc bộ.

Về sau, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, nhà văn nhớ lại cuộc hành trình này như một sự kiện đã thay đổi cuộc đời ông.

Sau khi biết tin mình được trao giải Nobel, Ishiguro nói: “Đó là một vinh dự lớn, vì điều đó có nghĩa là tôi đã theo kịp bước chân của các nhà văn vĩ đại.

Vì vậy, đây là một lời khen ngợi lớn đối với tôi. Thế giới đang ở trong thời điểm rất bấp bênh, và tôi hy vọng rằng tất cả Giải thưởng Nobel sẽ trở thành một sức mạnh để làm điều tốt ngay từ bây giờ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ