Ít nhất 43 người thiệt mạng sau vụ UAV tấn công khu chợ Sudan

GD&TĐ - Một cuộc tấn công bằng UAV hôm 10/9 nhằm vào một khu chợ mở ở phía nam thủ đô Khartoum của Sudan làm chết ít nhất 43 người.

Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở Sudan.
Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở Sudan.

Các nhà hoạt động và một nhóm y tế đưa ra thông tin trên.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết, hơn 55 người khác bị thương trong vụ tấn công ở khu phố May của Khartoum, nơi các lực lượng bán quân sự chiến đấu với quân đội được triển khai dày đặc.

Những người thương vong đã được đưa đến Bệnh viện Đại học Bashair.

Ủy ban Kháng chiến, một nhóm hoạt động giúp tổ chức hỗ trợ nhân đạo, đã đăng đoạn video lên mạng xã hội cho thấy các thi thể được quấn trong tấm vải trắng trong một sân rộng ở bệnh viện.

Bạo lực từ giữa tháng 4 đã khiến Sudan bất ổn khi quân đội do Tướng A. Abdel Fattah Burhan lãnh đạo và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự do Tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy đối đầu nhau

RSF đổ lỗi cho lực lượng không quân của quân đội về cuộc tấn công hôm 10/9, mặc dù chưa thể xác minh độc lập ngay lập tức tuyên bố này.

Cùng ngày, quân đội bác bỏ cáo buộc của RSF và cho biết họ không nhắm mục tiêu vào dân thường.

Các cuộc pháo kích và không kích bừa bãi của cả 2 phe không phải là hiếm trong cuộc chiến ở Sudan, điều này đã khiến khu vực Greater Khartoum trở thành chiến trường. Cuộc xung đột kể từ đó đã lan rộng đến một số vùng của đất nước.

Truyền thông địa phương đưa tin, các cuộc đụng độ dữ dội xảy ra vào cuối tuần qua tại al-Fasher, thủ phủ tỉnh Bắc Darfur, sau một cuộc tấn công vào một cơ sở quân sự của RSF.

Clementine Nkweta-Salami, điều phối viên nhân đạo của LHQ ở Sudan, hôm 10/9 bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ ở al-Fasher.

Quan chức này kêu gọi các phe phái tham chiến ngừng chiến đấu “để các nhà nhân đạo có thể mang thực phẩm, thuốc men và vật dụng trú ẩn cho những người cần nhất”.

Theo số liệu tháng 8 của LHQ, xung đột ở Sudan đã làm chết hơn 4.000 người. Tuy nhiên, các bác sĩ và nhà hoạt động cho biết con số thực tế gần như chắc chắn cao hơn nhiều.

Cơ quan Tị nạn của LHQ cho biết, số người phải di tản trong nước đã tăng gần gấp đôi kể từ giữa tháng 4, lên tới ít nhất 7,1 triệu người.

Theo số liệu công bố tuần trước của Tổ chức Di cư Quốc tế, 1,1 triệu người khác là người tị nạn ở các nước láng giềng.

Theo AP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.