G20 chuẩn bị mở rộng?

GD&TĐ - Liên minh châu Phi có thể sẽ được cấp tư cách thành viên ngang hàng với Liên minh châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 sắp tới.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi trong cuộc họp ở Nairobi, Kenya. (Ảnh: State House of Kenya / Anadolu Agency qua Getty Images)
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi trong cuộc họp ở Nairobi, Kenya. (Ảnh: State House of Kenya / Anadolu Agency qua Getty Images)

Theo các phương tiện truyền thông trước hội nghị thượng đỉnh tuần này ở New Delhi, Ấn Độ, lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế tiên tiến G20 đã đồng ý cấp cho Liên minh châu Phi quyền thành viên thường trực của tổ chức này.

Khối gồm 55 quốc gia châu Phi, hiện được G20 phân loại là “tổ chức quốc tế được mời”, sẽ có tư cách tương tự như Liên minh châu Âu trong nhóm.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20, được cho là đã kêu gọi các nhà lãnh đạo khác chấp nhận Liên minh châu Phi gia nhập nhóm trong một bức thư vào tháng 6.

Báo chí trích dẫn bức thư trên cho biết, “đây sẽ là một bước đi đúng đắn hướng tới một kiến trúc và quản trị toàn cầu công bằng, toàn diện hơn và mang tính đại diện hơn”.

Theo bức thư, ông Modi có niềm tin mạnh mẽ vào việc các nước Nam bán cầu, đặc biệt là các nước châu Phi, có tiếng nói lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế.

Nam Phi hiện là thành viên G20 thường trực duy nhất đại diện cho lục địa này. Ai Cập và Mauritius – lần lượt nằm ở Bắc Phi và ngoài khơi bờ biển phía đông – là những “khách mời”.

Việc gia nhập sắp tới của Liên minh châu Phi đã được tờ báo The Times of India, hãng tin Bloomberg và nhật báo Vedomosti của Nga xác nhận. Vedomosti đã dẫn nguồn tin từ bà Svetlana Lukash, đại diện của Nga tại G20.

Bà Lukash lưu ý rằng Moscow là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ việc ứng cử sau khi được Tổng thống Senegal Macky Sall chính thức đề xuất vào năm ngoái khi ông là Chủ tịch Liên minh châu Phi.

Đầu năm nay, ông Macky Sall lập luận rằng G20 sẽ xóa bỏ “sự bất công” lớn bằng cách chấp nhận liên minh vào hàng ngũ của mình. Ông phát biểu tại một sự kiện kinh tế ở Pháp rằng các quốc gia châu Phi cùng giữ vị trí thứ 8 thế giới về GDP.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.