Thiết nghĩ, trước một vấn đề có tính chất chuyên môn tương tự cần phải tranh luận thì ý kiến người trong cuộc là cần thiết hơn hết.
Là một người có bề dày kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm giáo dục, lại chịu trách nhiệm số phận của một ngôi trường, PGS Văn Như Cương đã giải thích khá thuyết phục về việc học sinh không chọn Sử, đó là:
Hầu hết học sinh của Trường THPT Lương Thế Vinh đều học ban A, D, rất ít ban B và hoàn toàn không có học sinh thi ban C. Vì vậy, khi chọn trong số những môn tự chọn do Bộ GD&ĐT đưa ra, ban A tất nhiên các em sẽ chọn Vật lý và Hóa học. Đối với ban D, các em sẽ chọn Ngoại ngữ, còn một môn nữa, học sinh đương nhiên sẽ chọn môn nào dễ học và dễ kiếm điểm nhất.
PGS Văn Như Cương cũng cho biết, ông không ngạc nhiên và cũng chẳng có gì phải buồn về việc chọn lựa này của học sinh, vì rằng học sinh của trường ông học Sử vẫn rất tốt. Mấy năm trước, khi môn Sử thi bắt buộc, hầu hết HS của trường đều đạt điểm trên trung bình.
Sự lý giải đã quá rõ ràng và nếu làm một cuộc trắc nghiệm trong các em học sinh thì tất cũng sẽ chẳng đi tới những nhận định đầy cực đoan như đã nói trên.
Xin nêu thêm một dẫn chứng: Vốn là một giáo viên dạy giỏi môn Sử, được học sinh ngưỡng mộ, thầy giáo Dương Văn Trai - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (Đồng Hới, Quảng Bình) chia sẻ:
“Trường tôi đã có nhiều em trong đội tuyển môn Sử đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia những năm qua. Nhưng tôi vẫn đoán thế nào rồi số em chọn thi môn Lịch sử sẽ rất ít.
Không nên đồng nhất 2 hiện tượng làm một mà phải hiểu đặc điểm tâm lý của lứa tuổi học trò là em nào cũng muốn đua tranh trong các kỳ thi và môn nào càng dễ học bài thì càng muốn thi môn đó”.
Còn nhớ sau kỳ thi đại học vào tháng 8/2011, trước thực trạng học sinh đạt điểm thấp môn Lịch sử, dư luận ngoài ngành lại lên tiếng chỉ trích cho rằng đó là kết quả của lối dạy “nhồi nhét, quá chi tiết”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lúc ấy đã có bài trả lời phỏng vấn khá thuyết phục, trong đó, có đoạn:
“Không nên cực đoan mà cho rằng, học sinh bây giờ không cần nhớ điều gì cả. Những ngày tháng đã trở thành sự kiện, thành dấu ấn, thành máu thịt đối với mỗi người Việt Nam thì phải dạy cho các cháu nhớ chứ!
Ví dụ như: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày thành lập Đảng, ngày sinh nhật Bác, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước… tất cả phải nhớ chứ!
Là con Lạc cháu Hồng mà ngày Giỗ Tổ, ngày giỗ ông, bà, cha, mẹ, ngày lễ tết truyền thống không nhớ, thì còn đâu là nguồn cội, lấy ở đâu ra lòng yêu nước?”.
Sau đó thì các hội thảo về đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông được tổ chức khá hiệu quả. Vẫn có nhiều trường môn học Sử đạt tỉ lệ cao; vẫn có nhiều học sinh đạt giải cao ở môn Sử được khen thưởng qua kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ phớt lờ những kết quả như vậy, chỉ cần có bất cứ chi tiết nào liên quan tới môn Sử là vội xới lên dư luận bằng thái độ cực đoan, nhằm tạo sự “giật gân” trong dư luận, một hội chứng khá phổ biến hiện nay.
Hãy tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh. Đừng để các em đang hào hứng đón nhận phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, bỗng bị chi phối bởi tác động của dư luận ngoài luồng. Đó là thông điệp mà người viết bài này muốn chuyển tải tới bạn đọc.