Buổi lễ tiếp nhận diễn ra tại cảng Kiel ở Đức, sự kiện này có sự góp mặt của đại diện cấp cao từ Hải quân Israel, các nhà ngoại giao và ban quản lý công ty ThyssenKrupp của Đức - nhà sản xuất chiếc tàu ngầm mới mang tên Dragon, dự kiến nó sẽ sớm được chuyển giao cho Tel Aviv để đưa vào vận hành.
Dự án bắt đầu từ năm 2017 nhưng đến năm 2018, do cải tiến về thiết kế và hiện đại hóa vũ khí nên ngày hoàn thành bị trì hoãn. Tổng chi phí của chiếc tàu ngầm là 650 triệu euro. Dragon trở thành đại diện thứ sáu của dòng Dolphin và vượt trội đáng kể so với những người tiền nhiệm về đặc tính kỹ thuật.
Tàu ngầm được tạo ra trên cơ sở mẫu Type 212 của Đức, có tính đến những phát triển độc đáo của Israel. Nó được trang bị hệ thống đẩy độc lập với không khí, có thể tăng cường đáng kể khả năng hoạt động liên tục.
Một tính năng quan trọng là khả năng mang tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân. Theo các nhà phân tích, tầm bắn của tên lửa là hơn 1.500 km và năng suất đầu đạn ước tính khoảng 200 kiloton. Những đặc điểm này mang lại cho Israel khả năng răn đe chiến lược để trả đũa từ biển nếu bị đe dọa.
Dòng tàu ngầm Dolphin thay thế các tàu ngầm lớp Gal đã cũ được đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1970. Phiên bản sửa đổi đầu tiên Dolphin-1 được tạo ra trên cơ sở mẫu Type-209 của Đức, nhưng đã nhận được một số cải tiến đáng kể.
Các tàu ngầm thế hệ thứ hai, bao gồm cả chiếc Dragon nói trên nổi bật bởi kích thước tăng lên, hệ thống tàng hình được cải tiến và vũ khí mạnh hơn nhiều.
Đây chính là loại tàu ngầm lớn nhất được chế tạo ở Đức kể từ Thế chiến thứ hai đồng thời là một trong những loại đắt nhất trong Quân đội Israel. Tầm quan trọng chiến lược của phương tiện nằm ở khả năng đảm bảo an ninh quốc gia và răn đe hạt nhân.
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Israel, đến năm 2031, các tàu ngầm cũ dòng Dolphin-1 sẽ ngừng hoạt động và được thay thế bằng thế hệ mới hiện đại hơn thuộc lớp Dakar.
Việc giới thiệu chiếc Dragon thể hiện mong muốn của Hải quân Israel trong việc tăng cường lực lượng hải quân và duy trì ưu thế công nghệ trước tình hình bất ổn địa chính trị.