Phó Thủ tướng Veysi Kaynak cho biết ban quản lý thiên tai và khí tượng học đang đề ra nhiều phương án để ngăn chặn thảm họa. Theo ông Kaynak, “kịch bản xấu nhất là đám mây khí độc sẽ đi qua biên giới Hakkari và tiến thẳng đến biển Caspian”, tức tỉnh biên giới phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Biên tập viên khí tượng học của hãng truyền hình NTV, ông Gokhan Abur, cho biết: “Bắt đầu từ 27-10, gió thổi từ phía Đông Nam sẽ đưa theo khói độc và các đám mây. Trận mưa làm tăng độ ẩm trong khu vực, vì vậy khi nước hòa trộn với sulphur dioxide và hơi nước, nó sẽ tạo ra mưa acid sulphuric, đốt cháy các loài thực vật trong khu vực”.
Lính Iraq đeo mặt nạ phòng độc sau khi IS đốt nhà máy sulphur. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào đầu tháng này, IS đốt cháy nhà máy sulphur al-Mishraq để cản bước tiến của quân Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nước duy nhất lo sợ bởi đám mây độc nói trên còn đang bao phủ nhiều khu vực của Syria và Iraq.
Theo Liên Hiệp Quốc, Bộ Y tế Iraq đã tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp ngạt thở tại nhiều khu vực phía Nam Mosul, chủ yếu là ở thị trấn Qayyarah.
“Người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi khói độc cho biết đám khói khiến họ khó thở, cay mắt, đau họng và tai khi hít phải, làm phỏng bất kì vùng da nào lộ ra ngoài” – trích một bài báo trên tờ Wall Street Journal ngày 23-10, khoảng một ngày sau khi IS gây ra vụ cháy.
Mặc dù đám cháy đã được dập tắt nhưng lượng khói độc tỏa ra có thể gây ra những thiệt hại lâu dài đối với người dân trong khu vực. Khi sulphur dioxide hòa với nước và rơi xuống đất, nó có thể lưu lại trong nhiều năm, thấm vào khoáng chất, gây hại cho nông nghiệp cũng như sinh vật dưới nước.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, sau khi con người hít phải một lượng lớn sulphur dioxide, họ có thể mắc phải những căn bệnh về đường hô hấp.
Liên Hiệp Quốc cho rằng IS đang áp dụng chính sách tiêu thổ và lên án điều này. Ngoài nhà máy sulfur, chúng còn đốt nhiều mỏ dầu để tạo khói đen cản trở máy bay liên quân.
Hình ảnh vệ tinh của NASA hôm 22-10 cho thấy tầm ảnh hưởng của đám khói độc. Ảnh: NASA
Khói sulfur (trắng xám) và khói do đốt mỏ dầu (đen) đang gây hại cho sức khỏe người dân trong khu vực. Ảnh: NASA
Đám khói do IS đốt nhà máy hóa chất. Nguồn: Daily Mail