Thời điểm hiện tại có vẻ khó tin rằng Iran đã nằm trong danh sách những khách hàng máy bay F-16 tiềm năng, nhưng điều này trong lịch sử thực sự tồn tại và thậm chí đã có những cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về chủ đề này.
Phải thừa nhận rằng đây là giai đoạn trước Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, nhưng câu chuyện vẫn đáng được kể lại. Hơn nữa việc nghiên cứu có thể bổ sung cho bức tranh theo một cách khá thú vị.
Nhìn chung, Iran dự định mua F-16 từ Hoa Kỳ vào những năm 1970 như một phần của dự án toàn diện nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân của mình, Tehran còn nhắm tới cả F-18 Hornet như một sự bổ sung cho F-14 Tomcat.
Quân đội Iran đã đi theo logic sau: Bản thân F-14 là máy bay tốt để đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách xa, nhưng chúng không phù hợp lắm để chiến đấu tầm gần chống lại MiG-21 và MiG-23 đang phục vụ trong Không quân Iraq - lực lượng lúc đó là một trong những đối thủ chính của Tehran.
Ngoài ra, giới lãnh đạo quân sự Iran đã nghĩ đến viễn cảnh ngay từ những năm 1980, họ sẽ cần một chiếc tiêm kích thay thế cho F-5 Tiger, điều này cũng quyết định việc lựa chọn F-16.
Iran của vua Shah thực sự muốn đưa lực lượng không quân của mình ngang tầm với Hoa Kỳ, điều này được tạo điều kiện thuận lợi bởi tình hình chính sách đối ngoại lúc bấy giờ, và tham vọng nói trên không chỉ thể hiện ở việc lựa chọn mẫu tiêm kích để mua.
Tài liệu lưu trữ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có một văn bản từ tháng 10 năm 1976, cho thấy rằng trong giai đoạn đàm phán ban đầu, Iran hy vọng nhận được tới 300 chiếc F-16 trong vài năm với mức giá 2 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái vào thời điểm đó, nhưng sau đó con số thay đổi thành 160 tiêm kích với giá 3,8 tỷ đô la.
Ví dụ trong quá trình đàm phán, General Dynamics cho rằng giá trị của máy bay quá thấp, nhưng việc đánh giá lại của Lầu Năm Góc - vốn đã được thực hiện, cho thấy một con số thực tế hơn nhiều.
Đồng thời như đã được thể hiện trực tiếp từ văn bản này, nói một cách nhẹ nhàng thì Hoa Kỳ không có mong muốn sớm cung cấp F-16 cho Iran, bất chấp Tehran là đồng minh của họ vào thời điểm đó, bởi dòng tiêm kích này cũng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tính năng.
Câu chuyện kết thúc như thế nào thực ra không khó dự đoán - vào năm 1979, cuộc cách mạng Hồi giáo diễn ra ở Iran, chính Tehran đã thực hiện hành động cắt đứt quan hệ với Mỹ, đặt dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán về chủ đề nhận F- 16.
Tuy nhiên có những báo cáo chưa xác nhận rằng Iran đã nhận được 2 chiếc F-16 đầu tiên từ Mỹ để huấn luyện nhân sự.
Mặc dù vậy, có thể đây là máy bay Mỹ đã bán cho Pakistan, hoặc Tehran cố gắng sao chép thiết kế như từng làm với chiếc F-5.
Bên cạnh đó còn xuất hiện tin đồn về việc Venezuela đã bán một hoặc nhiều chiếc F-16 của họ cho Iran vào đầu những năm 2010, nhưng điều này cũng chưa được xác minh.