Indonesia: Xây trường chống động đất từ nhựa

GD&TĐ - Ba năm sau khi hòn đảo Lombok, Indonesia, bị động đất tàn phá, nhóm các tổ chức từ thiện của Australia và Indonesia đã cùng thành lập trường học chống động đất đầu tiên tại châu Á trên hòn đảo này.

Các bức tường được lắp ráp từ nhựa tái chế.
Các bức tường được lắp ráp từ nhựa tái chế.

Trường Phổ thông SDN 4 Taman Sari được làm từ nhựa tái chế trộn với gỗ. Vật liệu này có ưu điểm nhẹ, chắc chắn và dễ lắp ráp. Sau khi đặt nền móng, người thợ sẽ dựng những bức tường được xếp từ nhựa tái chế.

Sau đó, dựng mái nhà và cửa sổ. Do tính đàn hồi, nhựa tái chế ít có khả năng bị vỡ vụn, sụp đổ và không bị gãy. Ngoài ra, với trọng lượng nhẹ, các bức tường có thể chịu được nhiều tác động so với gạch và vữa thông thường.

Ngôi trường này chỉ mất 6 ngày để hoàn thiện. Ông Duncan Ward, Giám đốc Tổ chức từ thiện Classroom of Hope, Australia, cho biết: “Ban đầu, người dân trên đảo không tin tôi nhưng họ dần chấp nhận. Người dân rất háo hức khi nhìn thấy ngôi trường mới được hoàn thành”.

Thầy giáo Marizal xúc động chia sẻ: “Trước đây, trường của chúng tôi rất tạm bợ nhưng nay đã trở nên khang trang, sạch sẽ. Ngôi trường mới là sự thay đổi phi thường đối với thầy trò chúng tôi”.

Em Pazila Aulia, học sinh nhà trường, bày tỏ: “Cháu rất vui khi được học tại trường mới. Những bức tường trông giống mô hình lego rất đẹp và gọn gàng. Cháu thích học tại trường mới vì mùa hè không còn nóng nực như xưa”.

Mỗi năm, Indonesia chịu ảnh hưởng bởi nhiều trận động đất gây thiệt hại về người và của. Tổ chức Classroom of Hope hy vọng có thể góp phần xây dựng trường học vững chắc để việc học tập không bị gián đoạn.

Theo ABC Au

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ