Indonesia muốn giáo dục bắt buộc 13 năm

GD&TĐ - Bộ Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia đang nghiên cứu chính sách giáo dục bắt buộc kéo dài 13 năm, bao gồm giáo dục mầm non.

Phần lớn trường mầm non ở Indonesia là trường tư có chi phí đắt đỏ.
Phần lớn trường mầm non ở Indonesia là trường tư có chi phí đắt đỏ.

Theo dự thảo, chính sách giáo dục bắt buộc kéo dài 13 năm sẽ bao gồm 1 năm giáo dục mầm non và 12 năm giáo dục phổ thông. Điểm khác biệt của dự luật này so với chính sách bắt buộc hiện nay là có thêm một năm học mầm non.

Ông Warsito, Phó Phụ trách điều phối chất lượng giáo dục Indonesia, nhấn mạnh giáo dục mầm non cũng nằm trong chính sách giáo dục bắt buộc 13 năm vì giai đoạn này là độ tuổi vàng của trẻ.

“Chúng tôi hy vọng trong giai đoạn một năm trước khi vào tiểu học, trẻ em sẽ được giáo dục về nhân cách”, ông Warsito nói.

Theo chuyên gia này, giai đoạn giáo dục tiền tiểu học cần khám phá những khả năng tiềm ẩn và sáng tạo của trẻ. Có thể có một số trẻ có năng khiếu về ca hát, hội họa, viết lách hoặc kể chuyện. Đó là những khả năng cần được khám phá để dần dần đánh giá xem tài năng nào nổi trội hơn.

Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Indonesia cho thấy chỉ 36,36% trẻ em Indonesia theo học mầm non vào năm 2023. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia Đông và Đông Nam Á khác vì theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào năm 2022, trung bình có 80% trẻ em đăng ký học mầm non 1 năm trước tuổi tiểu học. Báo cáo của UNICEF cảnh báo Indonesia có thể tụt hậu sao với các quốc gia láng giềng trong lĩnh vực giáo dục mầm non.

Trong những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã tăng cường nỗ lực trong việc chăm sóc và giáo dục mầm non (ECCE). Đơn cử, nước này đã đăng cai tổ chức Đối thoại chính sách Đông Nam Á về ECCE vào tháng 7/2023, cùng lúc Indonesia giữ vai trò Chủ tịch ASEAN.

Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục mầm non tại Indonesia còn phụ thuộc phần lớn vào khu vực tư nhân vì chỉ khoảng 4% trường mầm non là trường công. Điều này khiến học phí mầm non đắt đỏ hơn, từ đó làm trầm trọng thêm khoảng cách trong tỷ lệ nhập học giữa trẻ em gia đình giàu và nghèo.

Ngoài ra, chất lượng giáo dục mầm non trên toàn quốc có sự khác biệt rất lớn. Khoảng một nửa số trường mầm non không được công nhận và ít hơn 5% trong số này được đánh giá tốt.

Vì vậy, bà Nisa Felicia, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Giáo dục Indonesia (PSPK), ủng hộ việc chính phủ tăng thời gian học bắt buộc lên 13 năm, bao gồm giáo dục mầm non.

Nếu luật được ban hành, chuyên gia này đề nghị chính phủ tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục mầm non cho mọi trẻ em và mở rộng số lượng trường mầm non chất lượng cao.

Chính phủ Indonesia đã tìm cách kéo dài thời gian học bắt buộc lên 13 năm thông qua dự luật giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, luật này đã bị hủy bỏ vào tháng 9/2022 do không nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ Hạ viện.

Bà Nisa Felicia, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Giáo dục Indonesia (PSPK), cho biết: “Các trường mầm non có chất lượng kém đồng nghĩa hệ thống giáo dục của chúng ta đã không chuẩn bị cho trẻ em vào tiểu học. Do đó, khả năng học tập ở các cấp tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.

Theo Asia News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.