Indonesia điều 3 máy bay, 4 tàu chiến tìm phi cơ mất tích
Theo dõi báo trên
Lực lượng cứu hộ của Indonesia đang rà soát biển Java để tìm kiếm một chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia AirAsia, vốn mất tích cùng 162 người trên khoang khi đang bay từ Indonesia tới Singapore. Đây là cuộc khủng hoảng thứ 3 của ngành hàng không Malaysia trong năm nay.
Một quan chức từ cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Indonesia tại Bắc Sumatra đang chỉ vào vị trí chuyến bay QZ8501 mất tích trên màn hình.
19h30 Tư lệnh quân đội Indonesia, Tướng Moeldoko, cho biết không quân nước đã điều 3 máy bay và hải quân điều 4 tàu chiến để tìm kiếm chuyến bay mất tích QZ8501.
19h20 Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai đã phủ nhận tin đồn rằng các mảnh vỡ của chiếc QZ8501 đã được tìm thấy.
Tại buổi họp báo, ông Liow Tiong Lai phát biểu: "Cho đến thời điểm này, có nhiều tin đồn cho rằng chiếc máy bay đã được tìm thấy. Tôi khẳng định rằng điều đó hoàn toàn sai. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm chuyến bay QZ8501".
19h05 Ông Hadi Mustofa, quan chức Bộ giao thông vận tải Indonesia, cho biết với hãng tin AFP: “Chúng tôi đã kết thúc công việc tìm kiếm vào lúc 17h30 giờ địa phương vì trời quá tối. Thời tiết cũng không tốt và quá nhiều mây”.
“Sáng mai chúng tôi sẽ bắt đầu vào lúc 7h sáng hoặc sớm hơn nếu thời tiết cho phép”, ông Mustofa cho hay.
18h55 Thông tin cất cánh của máy bay QZ8501 đã được công bố. Thông tin cho thấy chiếc máy bay cất cánh với 8.296 kg nhiên liệu, lớn hơn rất nhiều so với định mức 5.211 kg cho hành trình bay Indonesia-Singapore.
Thân nhân các hành khách đang mòn mỏi chờ đợi thông tin về chuyến bay xấu số.
18h50 Hải quân Indonesia cho hay hiện vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào từ chiếc máy bay QZ8501.
Singapore và Malaysia đã cử 2 chiếc máy bay C-130 đến vùng biển Java để hỗ trợ công tác tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích. Ngoài ra, Malaysia cũng gửi thêm các tàu cứu hộ đến vùng biển này.
18h40 Khoảng 15h chiều nay giờ địa phương, Giám đốc điều hành của AirAsia Tony Fernandes đã lên đường đến Indonesia, quê hương của phần lớn hành khách trên chuyến bay QZ8501 đồng thời là địa điểm xảy ra vụ mất tích, để trực tiếp theo sát tình hình.
Ông Fernandes viết trên Twitter: “Tôi thật sự cảm động bởi những hỗ trợ to lớn của tất cả mọi người, đặc biệt là từ các hãng hàng không đồng nghiệp của chúng tôi. Đây quả thật là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Hiện giờ nó vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc”.
Ông Fernandes nói thêm: “Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể…”.
18h20 Bộ Ngoại giao Pháp đã ra tuyên bố cho biết gia đình của cơ phó người Pháp trên chuyến bay QZ8501, Remi Emmanuel Plesel, đã được thông báo về chuyến bay mất tích của hãng AirAsia. Giới chức Pháp cũng cho hay họ đang kết nối chặt chẽ với chính quyền Singapore và Indonesia để thường xuyên cập nhật thông tin về các nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
***
Khoảng 11 giờ sau khi QZ8501 mất tích, các máy bay của không quân Indonesia vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của chiếc Airbus A320-200, trong khi trời đã bắt đầu chuyển tối và nhiên liệu đang cạn dần.
Lộ trình của chuyến bay QZ8501 trước khi mất tích.
2 máy bay của không quân Indonesia và một trực thăng đang rà soát vùng biển quanh các đảo Bangka và Belitung trên biển Java, gần đảo Kalimanten.
"Chúng tôi chưa thể phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào", phát ngôn viên không quân Indonesia Hadi Cahyanto cho hay. Ông Cahyanto nói thêm rằng các tàu tìm kiếm vẫn đang trên đường tới khu vực và mới đi được khoảng nửa đường dọc lộ trình bay của QZ8501.
"Thời tiết khá tốt. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ còn vài giờ nữa vì nhiên liệu sắp hết. Khi đó trời cũng sẽ tối... Các máy bay phải quay trở về Jakarta", ông Cahyanto cho hay.
Người thân hành khách bật khóc tại sân bay Juanda ở Surabaya, Indonesia.
Một máy bay vận tải C-130 của quân đội Singapore cũng đã được triển khai, sau khi Indonesia chấp nhận sự trợ giúp từ quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Trong khi đó, Malaysia cho biết nước này đã điều "các thiết bị quân sự" cho cuộc tìm kiếm QZ8501.
Hãng hàng không AirAsia ngày 28/12 cho hay chuyến bay mang số hiệu QZ8501 xuất phát từ Surabaya, Indonesia để tới Singapore đã mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu từ lúc 7h24 phút sáng nay giờ địa phương sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya, Đông Java, Indonesia lúc 5h35 cùng ngày. Surabaya thành phố lớn thứ 2 của Indonesia sau thủ đô Jakarta.
Theo AirAsia, cơ trưởng của chuyến bay đã xin bay theo một đường bay khác vì lý do thời tiết xấu trước khi mất liên lạc.
Máy bay chở tổng cộng 162 người, gồm 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. 155 hành khách gồm 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.
Trong tổng số người trên máy bay có 156 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia và 1 người Pháp. Cơ trưởng của chuyến bay này đã thực hiện 6,100 giờ bay, cơ phụ có kinh nghiệm 2,275 giờ bay.
Hãng hàng không AirAsia, có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, đã thành lập Trung tâm Cứu nạn khẩn cấp dành cho các gia đình, thân nhân của những hành khách có mặt trên chuyến bay QZ8501 tại sân bay Juanda ở Surabaya, Indonesia.
Máy bay thực hiện chuyến QZ8501 là loại Airbus 3A20-200, được bảo dưỡng lần cuối hồi tháng trước.
GD&TĐ - Dù điều kiện học tập có phần hạn chế nhưng, Dương Đình Thanh người dân tộc Tày vẫn sở hữu điểm số ba môn Toán, Vật lí và tiếng Anh vô cùng ấn tượng.
GD&TĐ - Tối 14/12, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024).
GD&TĐ - Những hình tượng nhân vật độc đáo, sống lâu bền trong lòng độc giả luôn thể hiện sâu sắc nhất tư tưởng, tình cảm, chủ đề, thông điệp của nhà văn.