“Im lặng trong xung đột” dưới góc nhìn khoa học

GD&TĐ - Trong một mối quan hệ, rất khó tránh khỏi những lúc xảy ra mâu thuẫn.

“Im lặng trong xung đột” dưới góc nhìn khoa học

Để tránh làm tổn thương những người thân yêu, thay vì trực tiếp bày tỏ cảm xúc tiêu cực, nhiều người sẽ chọn “giải pháp im lặng”. Dưới góc nhìn khoa học, giải pháp này có thực sự hiệu quả?

Nhưng im lặng có thực sự là cách để giải quyết bất đồng hiệu quả? Paul Schrodt, một chuyên gia về giao tiếp và xung đột tại Đại học Texas Christian, cho biết, khi bạn đột nhiên cư xử một cách lạnh nhạt, đối phương sẽ ngay lập tức hiểu được bạn đang buồn bực.

Schrodt giải thích: “Thông thường, việc giữ im lặng sẽ thu hút sự chú ý của người khác. Đối phương sẽ nhận thấy ngay bạn đang cố tình phớt lờ họ và tự hỏi ‘mình đã làm gì sai”.

Nhưng ngoài việc thu hút được sự chú ý của đối tượng, cách thể hiện “im lặng” có nhiều khả năng tạo ra sự khó chịu hơn là thay đổi. “Đối tượng bị đối xử kiểu im lặng chìm trong một loạt những câu hỏi chưa được trả lời” - Christine Rittenour, một chuyên gia về giao tiếp gia đình tại Đại học West Virginia, cho biết.

Paul Schrodt cho biết, ngay cả khi người có lỗi nhận ra họ đã làm gì sai để khiến bạn buồn, thì cách xử lý im lặng không thể khắc phục được các vấn đề cơ bản trong các mối quan hệ, và đôi khi chỉ tạo ra thêm nhiều vấn đề hơn trong số đó.

Bạn đời của bạn có thể sẽ là người rửa bát vào ngày hôm sau, bạn của bạn có thể sẽ nói lời xin lỗi. “Nhưng với cái giá nào?", Schrodt nói.

Rittenour chỉ rõ, “chiến tranh lạnh” xảy ra thường xuyên có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của cả hai bên. Rittenour và các đồng nghiệp của cô đã nghiên cứu các gia đình có con đã trưởng thành.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Truyền thông Gia đình năm 2017, cho thấy những người chọn cách im lặng để giải quyết mâu thuẫn với cha mẹ thường có sự tự tin thấp hơn những người thực hiện các chiến lược giao tiếp trực tiếp.

Mặt khác, các bậc cha mẹ thường áp dụng “giải pháp im lặng” với con cũng ít được con cái tin tưởng hơn và có cảm giác kiểm soát thấp hơn trong mối quan hệ.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Communication Research Reports vào năm 2009 chỉ ra rằng, trong quan hệ yêu đương, những người thường áp dụng “giải pháp im lặng” thường ít xem trọng mối quan hệ.

“Khi bạn áp dụng cách đối xử im lặng, bạn thực sự có nguy cơ khiến đối tượng cảm thấy tiêu cực về điều đó, đến mức họ muốn rút khỏi mối quan hệ. Thay vì để bạn bè, bạn đời hay người nhà của bạn tự suy nghĩ về việc họ đã làm gì sai, việc giải quyết các vấn đề một cách trực tiếp, ngay cả khi nó dẫn đến xung đột vẫn là cách tốt hơn nhiều” - Rittenour cho biết.

Giải quyết xung đột một cách cởi mở - không có các hành vi tiêu cực, như la mắng hoặc đánh đập - thực sự có thể tạo ra các mối quan hệ bền chặt hơn. Rittenour nói thêm, những hành vi hiệu quả bao gồm lắng nghe, hợp tác để giải quyết vấn đề và chấp nhận rằng những rạn nứt sẽ không tự biến mất. Nhưng trước tiên, bạn phải thẳng thắn thừa nhận rằng có gì đó không ổn.

Trong thời điểm căng thẳng, giao tiếp một cách ôn hòa là điều rất khó khăn. Những lúc này, bạn có thể tạm thoát khỏi xung đột để bình tĩnh lại. Thay vì ra sức cãi cọ và chỉ trích, hãy nói những câu như: “Tôi sợ rằng tôi sẽ nói sai điều gì vì tôi đang rất khó chịu” hoặc “Tôi muốn ở một mình một thời gian để suy nghĩ về điều này”.

Như vậy, sự khác biệt giữa kiểu im lặng này và kiểu không lành mạnh là gì? Chính là bày tỏ cảm xúc và quan điểm một cách thẳng thắn. Đó là một cách hiệu quả hơn nhiều để vừa kiềm chế bản thân, vừa tránh làm tổn thương người khác.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...