Hầu hết mọi quốc gia đang phải trải qua một thời kỳ thực sự khó khăn do cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II.
Với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đang nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tếxã hội trên toàn thế giới.
Theo ước tính mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các biện pháp phong tỏa một phần hoặc toàn diện đã ảnh hưởng tới 2,7 tỷ người lao động, tức 81% lực lượng lao động toàn cầu. Bản báo cáo nhanh mới được ILO công bố tuần trước cho thấy số giờ làm việc trên thế giới sẽ giảm 6,7% trong quý II năm nay, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian.
Khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu làm việc trong các lĩnh vực hiện đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, đi kèm với những nguy cơ cao phải sa thải lao động, giảm lương và giờ làm. Trong số đó có các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và các hoạt động kinh doanh, vận tải và giải trí.
Ở Việt Nam, những lĩnh vực này hiện đang sử dụng hơn 22,1 triệu lao động, tức 40,8% tổng số việc làm của Việt Nam. Họ đang làm việc trong những lĩnh vực có rủi ro cao, đang phải đối diện với những thách thức vô cùng lớn để duy trì sự sống còn của doanh nghiệp và duy trì lực lượng lao động.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết 50% các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ có thể tồn tại được tối đa 6 tháng nếu tình hình khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 không được cải thiện.
Ông Chang Hee Lee, giám đốc ILO Việt Nam cho rằng: Những vấn đề này đem lại hàm ý chính sách rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam. Đây là những lĩnh vực thâm dụng lao động và thường tuyển dụng người lao động được trả lương thấp và trình độ kỹ năng thấp.
Đây cũng là những lĩnh vực mà phụ nữ chiếm phần đông. Điều đó có nghĩa rằng khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người lao động dễ bị tổn thương và lao động nữ.
Những lĩnh vực được xác định có nguy cơ bị tác động nặng nề nhất theo Báo cáo nhanh của ILO hiện sử dụng 44,1% số lao động nữ của Việt Nam, trong khi đó chỉ có 30,4% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.
Các nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm có người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được coi là ưu tiên và cấp bách cần giải quyết. Vì vậy, khi Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề này.