ILO hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch

GD&TĐ - Đây là kết quả điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp quốc tại Hội thảo tham vấn đánh giá nhu cầu đào tạo trong ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế diễn ra ngày 5/3.

Du lịch Huế cần có nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu du lịch
Du lịch Huế cần có nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu du lịch

Qua thống kế tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 541 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng, lao động du lịch là 9.700 người trực tiếp và 24.200 lao động gián tiếp.

Theo đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu cả về phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp sau tuyển dụng phải đào tạo lại và đào tạo mới chiếm 50%, đặc biệt là makerting và buồng phòng.

Dịch vụ lưu trú thu hút nhiều lao động nhất nhưng phần nhiều lao động không được đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ thấp; chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường do thiếu kinh nghiệm thực tế…

Ông Lê Hữu Minh - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Chúng ta vừa thiếu cán bộ quản lý vừa thiếu các chuyên viên kỹ thuật có tay nghề cao. Những người phục vụ đã thiếu kỹ năng trong nghề lại hạn chế về ngoại ngữ.

Chúng tôi đã đưa ra cái giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, liên tục tổ chức các lớp đào đạo bồi dưỡng ngắn hạn đối với nhân viên ngành du lịch, các cơ sở khách sạn nhỏ vừa và đặc biệt đào tạo trong cộng đồng”.

Mặc dù là nơi có các cơ sở đào tạo về du lịch chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ để khẳng định du lịch tại Thừa Thiên - Huế là ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo kết quả khảo sát của ILO về nhu cầu đào tạo du lịch tại các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị du lịch cộng đồng và các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, Thừa Thiên - Huế vẫn thiếu chiến lược dài hạn về nguồn nhân lực; chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường do còn thiếu kinh nghiệm thực tế; tất cả các cơ sở đào tạo nghề không có khả năng đào tạo liên tục để duy trì, nâng cao năng lực giáo viên; số lượng khóa học còn hạn chế và thiếu liên kết với doanh nghiệp...

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành, khách sạn và các cơ sở đào tạo đã nêu lên những hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó nhấn mạnh cơ chế hợp tác giữa các trường đào tạo và doanh nghiệp; các giáo viên đào tạo nghề du lịch phải đi thực tế ở các doanh nghiệp để nâng cao tay nghề; đào tạo chuyên sâu kiến thức về văn hóa – lịch sử của Thừa Thiên - Huế cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, tăng cường bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ phục vụ du lịch... 

Trên cơ sở những đề xuất này, ILO sẽ có những hỗ trợ kịp thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ