Hy vọng ngày mai cho Hãng phim truyện Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giới điện ảnh vẫn còn đó nỗi canh cánh về 'cái nôi của điện ảnh cách mạng' - Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ (Hà Nội).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cùng đón dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) nhưng chỉ giới nhiếp ảnh trọn niềm vui.

Giới điện ảnh thì vẫn còn đó nỗi canh cánh về “cái nôi của điện ảnh cách mạng” - Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ (Hà Nội). Đó là câu chuyện dài trong suốt 6 năm qua, khi hãng phim này thực hiện cổ phần hóa (2017).

Tổng Công ty Vận tải thủy - công ty cổ phần (VIVASO) là cổ đông chiến lược. Từ đó đến nay VFS trải qua bao phen thăng trầm rồi cuối cùng rơi vào cảnh ngừng trệ hoạt động; nghệ sĩ bị thiếu nợ lương, bảo hiểm; cơ sở vật chất, đạo cụ ngày càng hỏng hóc, xập xệ...

Thực ra, trong nhiều năm qua, các nghệ sĩ cũng như công luận đã tích cực lên tiếng để đến năm 2020 Thanh tra Chính phủ có kết luận yêu cầu Bộ VH,TT&DL thu hồi cổ phần đã bán tại VFS, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (VIVASO), cũng như trả lại đất cho hãng phim.

Vậy nhưng, đến giờ, dường như mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. “Ngôi nhà” dưỡng nuôi những tài năng điện ảnh của nước nhà như NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, NSND Minh Châu, NSND Như Quỳnh, NSƯT Phương Thanh, NSƯT Thanh Quý… và sản sinh những bộ phim chiến tranh cách mạng kinh điển như “Chung một dòng sông” (1959), “Vợ chồng A Phủ”, “Con chim vành khuyên” (1961), “Nổi gió” (1966), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972), “Đến hẹn lại lên”, “Em bé Hà Nội” (1974), “Sao tháng Tám” (1976), “Mối tình đầu” (1978), “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984)… chỉ còn trong hoài niệm.

Giờ đây số 4 Thụy Khuê đã là chốn “hoang tàn, đổ nát không thể tưởng tượng nổi”, như lời NSND Trà Giang thốt lên tại lễ kỷ niệm.

Cũng trong ngày này, lẽ ra chỉ có niềm vui tề tựu, ôn cố tri tân, vậy nhưng ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng phải thay mặt ngành điện ảnh bày tỏ niềm mong muốn khẩn thiết “các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam”.

Rõ ràng, vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam không chỉ là những bất cập về cổ phần hóa mà còn là cách ứng xử vô cảm, thiếu trách nhiệm với “chiếc nôi” của điện ảnh cách mạng của các cơ quan liên quan trong suốt mấy năm qua.

Mừng là thêm một lần nữa tiếng nói của các nghệ sĩ điện ảnh đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe và nhanh chóng chỉ đạo, giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đang bị hoang tàn, đổ nát; tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.

Mong rằng, sẽ sớm đến ngày Hãng phim truyện Việt Nam trở lại với phong thái “vàng son” của “anh cả đỏ” để tiếp tục có những tác phẩm tiếp tục làm rạng danh điện ảnh nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ