Hy hữu: Bệnh nhân còn nguyên con dao đâm xuyên cột sống vào phòng phẫu thuật

GD&TĐ - Ngày 14/03, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân bị chiếc dao đâm sâu xuyên một phần cột sống.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật cho bệnh nhân.
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nói trên là nam H. S. L. (26 tuổi, ngụ ở Bạc Liêu) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện với vết thương 02 cm còn dị vật là một chiếc dao thái nhỏ cắm vào giữa thành ngực sau D4-5, không rõ độ sâu, liệt chân bên phải, các chi còn lại sức cơ 5/5.

Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Cấp cứu tiến hành sơ cứu vết thương, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và liên hệ hội chẩn chuyên khoa Ngoại Thần kinh, Chấn thương chỉnh hình.

Kết quả X-Quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật kim loại xuyên giữa cột sống  ngực. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống

Sau 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ bệnh viện đã thành công lấy con dao ra khỏi lưng (dao thái). Hiện Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết thương khô, chân phải nhận  biết được cảm giác, đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

BSCK2. Chương Chấn Phước - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết: Vết thương tủy sống là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng. Vết thương tủy sống xảy ra khi có các tác động vật lý vào thân đốt sống, dây chằng, hoặc đĩa đệm cột sống, gây đụng dập, vỡ, hoặc xé rách tủy sống, và vết thương xuyên thấu tủy (ví dụ như súng đạn hoặc vết thương dao đâm).

Hình ảnh một dị vật kim loại sắc nhọn trên phim chụp cắt lớp đa lát cắt.

Hình ảnh một dị vật kim loại sắc nhọn trên phim chụp cắt lớp đa lát cắt.

Đối với bệnh nhân bị chấn thương, vết thương cột sống thì phương pháp sơ cứu đúng cách đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tối đa tổn thương hoặc để lại di chứng cho nạn nhân.

Bệnh nhân được cố định vùng tổn thương, đảm bảo tư thế cột sống được thẳng theo đường sinh lý trong quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế, tốt nhất là nằm trên mặt phẳng có cố định hai bên cột sống.

Điều đặc biệt lưu ý là không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường tai nạn hoặc ngay cả trong phòng cấp cứu, mà cần được đánh giá bằng các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, xquang, chụp cắt lớp vi tính  trước để có thể lường được mức độ tổn thương và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu và chỉ thực hiện lấy dị vật tại phòng mổ.

Lúc này, vật đâm đóng vai trò quan trọng trong trong việc ngăn chảy máu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, băng ép vết thương xung quanh và cố định vật đâm tốt nhất có thể và chuyển đến cơ sở y tế tuyến chuyên khoa nhanh nhất để được xử trí kịp thời và đúng phương pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.