Huyện Yên Châu giới thiệu và tư vấn việc làm cho người lao động

GD&TĐ - Huyện Yên Châu (Sơn La) triển khai các giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Công ty HITECH Korea Vina tư vấn việc làm cho học sinh.
Công ty HITECH Korea Vina tư vấn việc làm cho học sinh.

Lực lượng lao động nông thôn dồi dào

Yên Châu là địa phương có lực lượng lao động khá dồi dào, tuy nhiên, trình độ nhiều người còn hạn chế, không chuyên sâu, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 20%.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Yên Châu đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Châu cho biết, hàng năm, Phòng đều tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động.

Từ đó, tạo thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với sở trường, trình độ học vấn để có phương án giải quyết việc làm.

Theo bà Hà, để hỗ trợ tốt cho người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp, phòng còn tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; chú trọng dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác sau đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tăng cường thông tin thị trường và giới thiệu việc làm cho lao động vùng nông thôn.

1-3-5926.jpg
Người lao động đang nghe các nhân viên Công ty tư vấn việc làm tại huyện Yên Châu.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Châu có trên 48.500 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58% dân số, chủ yếu là lao động nông thôn chưa qua đào tạo.

Tháng 7/2024, UBND huyện đã phối hợp tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút 20 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và gần 800 người lao động, học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn huyện.

Liên kết, tư vấn, giới thiệu việc làm

Tại ngày hội việc làm, các đơn vị, doanh nghiệp đã giới thiệu về nhu cầu tuyển dụng lao động, vị trí tuyển dụng, chế độ chính sách của doanh nghiệp... định hướng ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của người lao động; tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để xuất khẩu lao động sang các nước: Nhật Bản; Hàn Quốc, Đài Loan, Canada...

Trên cơ sở tư vấn, kết nối thị trường lao động, đã có nhiều người nộp hồ sơ vào các công ty ngay trong ngày hội việc làm.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, nhằm tạo cơ hội việc tiếp cận việc làm cho người dân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện tập trung đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng tái định cư, thanh niên người dân tộc thiểu số.

Huyện cũng tổ chức ngày hội việc làm, để người lao động ở nông thôn tiếp cận và có sự lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân. Từ đó, giúp người lao động có công việc ổn định, thu nhập cao, góp phần vào công tác xóa nghèo tại địa phương.

z5901836530062-d027594f17d5c4ae266f58152d2f43a1-5232.jpg
Công ty Thành Sơn Group tư vấn chương trình học bổng cho học sinh tại ngày hội việc làm.

Theo ông Cường, nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Yên Châu đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 2.000 người thuộc các xã đặc biệt khó khăn, đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Huyện cũng tổ chức mở 19 lớp đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn, hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho gần 10.000 lao động, trong đó có hơn 50% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

“Bên cạnh liên kết giới thiệu việc làm, huyện còn tổ chức lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật chăn nuôi; tuyên truyền người dân lựa chọn mô hình kinh tế cho giá trị thu nhập cao cho đồng bào dân tộc tham gia.

Nhờ những việc làm này, nhiều thay đổi trong canh tác xoài, nhãn, bưởi tại vườn của các chủ hộ trên địa bàn đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cuộc sống của người dân đã được nâng cao rõ rệt”, ông Cường nói.

Anh Quàng Cát Lượng, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn cho biết. “Nhờ tham gia ngày hội việc làm do UBND huyện tổ chức, sau khi tìm hiểu, được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng định hướng nghề nghiệp, thông tin về xuất khẩu lao động, tôi đã lựa chọn đi học nghề tại Nhật Bản. Hiện, tôi đang nỗ lực trau dồi thêm tiếng Nhật Bản để tiện lợi hơn trong công việc sắp tới tại Nhật. Tôi mong muốn sang Nhật làm việc, để có thu nhập cao hơn giúp gia đình”.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Yên Châu tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách tạo việc làm và giải quyết việc làm, mở rộng các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Huyện còn đẩy mạnh hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, các vùng tái định cư, thanh niên người dân tộc thiểu số. Năm 2024, huyện Yên Châu phấn đấu tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 73%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.