Cây cầu treo Kon Tuh bắc qua sông Đăk Bla (đoạn qua xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) bị cuốn trôi khiến hàng trăm hộ dân nơi đây phải khốn đốn mỗi khi di chuyển.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cây cầu treo Kon Tuh bị cuốn trôi trong cơn bão số 9 vừa qua khiến thôn Kon Tuh và Kon BĐẻh bị chia cắt. Người dân thôn Kon Tuh muốn ra trung tâm xã phải chèo thuyền qua sông Đăk Bla. Nếu muốn đi con đường thuận lợi hơn, người dân phải chạy xe máy vượt hơn 20km đường đất. Những hôm nắng bụi bay mù mịt, còn ngày mưa con đường trở nên sình lầy, trơn trượt.
Không những vậy, đa số người dân ở thôn Kon BĐẻh đều canh tác ở thôn Kon Tuh. Do đó, mỗi ngày người dân chấp nhận đi quãng đường xa để qua sông canh tác nông sản.
Ông A Chih (SN 1974, thôn Kon BĐẻh) cho biết, gia đình ông có 3 ha đất trồng mì bên thôn Kon Tuh. Trước đây, để qua sông làm rẫy, gia đình ông chạy xe máy qua cây cầu treo Kon Tuh chỉ mất khoảng 5 phút. Tuy nhiên, từ ngày cầu trôi, gia đình ông không còn cách nào khác phải đi con đường vòng, xa hơn 20km.
“Đa số nương rẫy của người dân thôn Kon BĐẻh đều ở bên kia sông. Những gia đình nương rẫy gần bờ sông thì chèo thuyền qua để canh tác. Những gia đình có đất xa như nhà tôi, hàng ngày phải chạy xe máy gần 1 tiếng đồng hồ, vòng lên thôn 6 để đến rẫy canh tác. Những hôm nắng con đường bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, trơn trượt nên rất khó khăn. Nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, hàng ngày phải cố gắng đi sớm hơn để đến nương rẫy. Chúng tôi hy vọng đến lúc thu hoạch mì được mùa, được giá thì người nông dân mới đỡ khổ”, ông A Chih chia sẻ.
Tương tự, chị Y Ngọc (SN 1994, thôn Kon BĐẻh) có 7 sào đất trồng mì bên thôn Kon Tuh. Từ ngày cầu trôi, chị phải tranh thủ đi sớm hơn thường lệ để chăm sóc nương rẫy của gia đình.
“Nếu chúng tôi không đi vòng thì không còn con đường nào khác để đến rẫy canh tác. Vừa qua, đến vụ thu hoạch mì, đường vận chuyển nông sản xa, khó khăn nên thương lái ép giá và đòi thêm tiền vận chuyển. Chúng tôi đành phải chấp nhận, vì nếu không bán mì cũng sẽ hư. Người dân chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, làm lại cây cầu nối hai thôn để mọi người yên tâm sinh sống, sản xuất”, chị Y Ngọc tâm sự.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, cơn bão số 9 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề trên địa bàn. Đặc biệt, cây cầu treo Kon Tuh bị cuốn trôi, gây ảnh hưởng lớn đến 200 hộ dân.
Cũng theo vị chủ tịch xã, cây cầu này là con đường huyết mạch của xã Đăk Ruồng với bên ngoài. Bên cạnh đó, khu sản xuất hơn 2.000 ha của người dân trong xã đều nằm bên thôn Kon Tuh. Do đó, gây khó khăn trong quá trình canh tác và mua bán nông sản của người dân. Cây cầu bị cuốn trôi, người dân phải đi đường vòng qua thôn 6, xa hơn 20km để sang thôn Kon Tuh canh tác.
Không chỉ bất tiện về việc đi lại, canh tác, công tác khám chữa bệnh của người dân và học tập của các em học sinh cũng gặp nhiều khó khăn. Cây cầu bị cuốn trôi, 45 em học sinh của trường THCS xã Đăk Ruồng phải ở nội trú tại trường để thuận tiện cho việc học tập. Ngoài ra, một số giáo viên phải vượt quãng đường hơn 20km để vào thôn Kon Tuh giảng dạy cho các em học sinh. Mùa nắng thì con đường bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, bám dính.
“Chúng tôi mong muốn các cấp quan tâm, đầu tư xây dựng lại cây cầu huyết mạch của xã. Nếu có cây cầu sẽ thuận tiện cho người dân trong việc đi lại, canh tác và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, bảo đảm việc dạy và học của giáo viên, học sinh”, ông Hải nói.