Môi trường trải nghiệm xanh, an toàn cho trẻ
Thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 của Sở GD&ĐT Quảng Ninh, từ năm học 2022-2023, ngành Giáo dục huyện Vân Đồn đã đưa ra bộ tiêu chí “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện” với phương châm “làm thực - kiểm tra thực - hiệu quả thực”.
Bộ tiêu chí bao gồm 61 tiêu chí, trong đó có 3 tiêu chí “xanh”, 8 tiêu chí “an toàn” và 50 tiêu chí “thân thiện”, được ngành giáo dục huyện Vân Đồn xác định là nhiệm vụ trọng tâm áp dụng cho cấp mầm non giai đoạn 2021-2025.
Với tiêu chí “Trường mầm non xanh”, 13 trường trên địa bàn huyện đều có hệ thống cảnh quan cây xanh, khuôn viên gần gũi với thiên nhiên, như: cây bóng mát, cây ăn quả, cây cảnh, thảm cỏ, vườn rau, vườn hoa của bé, đảm bảo tính thẩm mỹ…
Tại Trường Mầm non Bình Dân, ngôi trường với 92% học sinh là người Sán Dìu, việc thiết kế các khu vui chơi và trải nghiệm sáng tạo cho trẻ được đặc biệt chú trọng.
Nhà trường dành quỹ đất 727m2 để tạo khu trải nghiệm, khuôn viên vườn tạo cảnh núi non, trồng nhiều loại cây ăn quả để trẻ được tham gia các hoạt động như trồng cây, nhổ cỏ, trồng hoa và ngắm phong cảnh.
Khu vực chợ quê dựng thành 3 gian, với nhiều đồ dùng, đồ chơi được làm từ những nguyên vật liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương như tre nứa, rơm, cỏ tranh.
Các góc chơi cho trẻ được nhà trường tận dụng thiết kế ở mọi không gian phù hợp, đó là các góc “Bé chơi với cát và nước” rộng rãi với nhiều cây xanh, góc “Vườn cổ tích” với nhiều nhân vật gắn với những câu chuyện cổ tích, góc steam với nguyên vật liệu đa dạng để trẻ sáng tạo đồ dùng.
Một khu chơi tại Trường Mầm non Bình Dân. |
Tại Trường Mầm non thị trấn Cái Rồng, tiêu chí “Trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện” được thể hiện nổi bật với sân trường sắc hoa. Nhà trường dành diện tích 700m2 đất để thiết kế một “Thiên đường hoa và rau sạch” cho trẻ, với đa dạng của loại như hoa cúc, dạ yến thảo, rau xà lách, su hào, bắp cải, cà chua…
Trong các tiết trải nghiệm tại vườn, trẻ thích thú khi được theo dõi quá trình phát triển của các loại cây, được quan sát, tìm hiểu đặc điểm từng loại, được tự tay gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch...
Cô giáo Cam Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cái Rồng cho biết, công trình “Thiên đường hoa và rau” dành cho trẻ là tâm huyết và nỗ lực rất lớn của các cô giáo, các bậc phụ huynh nhằm tạo không gian cho học sinh được trải nghiệm thiên nhiên.
Từ tháng 9/2023 đến nay, trường đã thu hoạch được 2 đợt su hào và bắp cải, mang lại nguồn nông sản sạch đưa vào bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ.
Với tiêu chí “Trường mầm non an toàn”, ngành Giáo dục Vân Đồn xác định đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc tạo môi trường học và chơi cho trẻ. 100% trường mầm non trên địa bàn huyện thiết kế khu vực vui chơi được trải thảm cỏ nhằm đảm bảo sự an toàn cho học sinh.
Phòng GD&ĐT Vân Đồn chỉ đạo các trường thường xuyên rà soát, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; tổ chức bữa ăn bán trú bảo đảm thực hiện các điều kiện và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ như nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại, bắt cóc, tai nạn thương tích…
Sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường
Với tiêu chí “Trường mầm non thân thiện”, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã chú trọng xây dựng môi trường tâm lý - xã hội, môi trường thiên nhiên và môi trường vật chất.
Khuôn viên “Khu trải nghiệm của bé” của Trường Mầm non Hạ Long được nhà trường thiết kế sử dụng các nguyên vật liệu thiên nhiên, tái chế, thân thiện với môi trường như: lốp xe máy, lốp ô tô, tre, nứa, vỏ chai, lọ, vỏ các loại nhuyễn thể…
Tiết học sử dụng nguyên vật liệu “mở” tại Trường Mầm non Hạ Long. |
Cô giáo Phạm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Long cho biết, không chỉ không gian ngoài trời, 100% các lớp đăng ký lớp học xanh, an toàn, thân thiện, xây dựng giải pháp thiết thực ngay trong môi trường lớp học.
Giáo viên luôn chủ động sử dụng các nguyên vật liệu “mở” có sẵn trong tự nhiên hoặc tận dụng đồ tái chế để làm phong phú cho tiết dạy. Trong 1 tiết “vẽ theo ý thích”, trẻ được sử dụng nguyên vật liệu “mở”, tức không chỉ màu vẽ, giấy, mà còn là các loại vỏ chai, lá cây, sỏi đá, hột, hạt tự tìm kiếm ngoài thiên nhiên.
Các nguyên vật liệu này là do các cô giáo tích cực tìm kiếm, thu thập, kết hợp với việc khuyến khích học sinh sưu tầm trước mỗi tiết học, không huy động nguồn kinh phí hỗ trợ…
Bà Nguyễn Hải Yến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn cho biết, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục huyện tiếp tục giữ vững kết quả tích cực đã đạt được trong công tác chủ đề xây dựng “Trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện”. Các trường đã tạo ra môi trường vận động, trải nghiệm khác biệt so với các năm học trước, trẻ được gần gũi với thiên nhiên, rèn kỹ năng sống mà không cần đi xa.
Dự kiến trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình, hướng tới làm thư viện xanh cho trẻ.