Tâm huyết xây trường…
Trường Mầm non xã Mường Pồn cũng chính là một trong số trường mầm non đầu tiên được thành lập trên địa bàn xã biên giới của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), tiền thân chỉ là mái trường nhỏ đơn sơ, vách đất, đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ mầm non tại xã Mường Pồn. Trải qua 20 năm “ươm mầm xanh” nơi đèo cao, giờ đây, trường đã phát triển quy mô, đạt chuẩn Quốc gia và có nhiều thành tích trong công tác chăm lo, dưỡng dục con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Không chỉ có vậy, với tâm huyết nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, đến nay, Trường Mầm non xã Mường Pồn còn ghi nhận nhiều thành tích đáng kể trong phong trào Thi đua đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy học và đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.
Trường trung tâm được đầu tư khang trang. |
Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập trường (năm 2003) với bề bộn khó khăn, cô giáo Vũ Thị Sơn Ca, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường mầm non Mường Pồn chia sẻ: “Ngày đầu, trường chỉ có vài giáo viên đứng lớp, mà lớp học là nhà tạm, còn phòng công vụ cho giáo viên thì chưa có...
Bên cạnh đó, mặc dù số trẻ trong độ tuổi mầm non trên địa bàn xã Mường Pồn đông, nhưng tỉ lệ trẻ ra lớp rất thấp. Do đó, cùng với việc khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, Ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên chúng tôi phải nỗ lực đi từng bản, vào từng nhà dân để huy động và duy trì sĩ số học sinh”.
Phụ huynh chung tay cùng giáo viên nhà trường tu sửa cơ sở vật chất. |
Tâm huyết, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường đã nhận được quan tâm, đóng góp của người dân địa phương và đầu tư của Nhà nước, của ngành Giáo dục huyện. Vì thế, mỗi năm qua đi, cơ sở vật chất của trường mầm non Mường Pồn ngày càng khang trang, đổi mới; các lớp học được mở mang thêm, giờ đây trường đã có 14 lớp, đáp ứng nhu cầu của hơn 300 trẻ trong độ tuổi mầm non trên xã Mường Pồn theo học.
Đến trường mầm non Mường Pồn hôm nay, ngắm cảnh quan nhà trường sạch đẹp, đầy chất “mầm non” với hàng cây hoa ban xanh thẳm nối nhau che bóng, ôm lấy những lớp học; xung quanh là vườn hoa đủ sắc màu, tô điểm cho những bức tranh sinh động được giáo viên nhà trường tự tay sáng tạo, vẽ trên tường. Quang cảnh trường không chỉ thân thiện mà còn thoáng đãng và bố trí khoa học, cho thấy sự tâm huyết, sáng tạo của bao thế hệ giáo viên trong trường.
Cùng việc đổi mới trường lớp, Ban giám hiệu nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có kiến thức, kỹ năng sư phạm tốt để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhà trường hiện có 21 giáo viên, đạt chuẩn 100%. Riêng năm học 2021 - 2022 vừa qua, có 16/21 giáo viên đạt dạy giỏi cấp trường và cấp huyện; tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần tại trường đạt 98% trở lên; chất lượng các lĩnh vực phát triển của trẻ đều đạt trên 94% trở lên.
Cô và bé trong ngày khai giảng năm học mới. |
…Không ngừng đổi mới
“Từ khi đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (năm 2013) đến nay, Ban giám hiệu và mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều quyết tâm với mục tiêu mới là đổi mới, sáng tạo trong dạy học và chăm sóc trẻ. Từ đó đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục địa phương và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ” – Phó hiệu trưởng Vũ Thị Sơn Ca chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc duy trì, giữ vững các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn Quốc gia thì nhà trường luôn khuyến khích mỗi giáo viên là một tấm gương sáng tạo trong dạy học, đổi mới phương pháp truyền đạt cho trẻ, sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Năm học 2021 – 2022, nhà trường có 3 giáo viên đã đăng kí sáng kiến với Ban giám hiệu và 2/3 sáng kiến đã áp dụng có hiệu quả, được ngành Giáo dục huyện Điện Biên đánh giá cao vì phù hợp với thực tiễn, điều kiện kinh tế, xã hội của huyện Điện Biên.
Một tiết mục văn nghệ do giáo viên nhà trường tự biên, tự diễn tại Lễ đón Bằng Công nhận đạt chuẩn quốc gia. |
Riêng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai thường xuyên trong trường. Hàng quý, nhà trường còn tổ chức thi đua giữa các khối lớp để khích lệ tinh thần đoàn kết giữa học sinh với giáo viên. Nhờ đó, học sinh đến trường luôn cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Phụ huynh trong xã Mường Pồn cũng yên tâm hơn khi gửi con em tới theo học.
Nhìn lại chặng đường 20 năm chăm sóc trẻ nơi đèo cao Cò Chạy, những cán bộ, giáo viên, tại trường mầm non Mường Pồn luôn cảm thấy tự hào. Họ cũng thấy rõ trách nhiệm của người nuôi dạy trẻ, là luôn nỗ lực, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ để chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng nâng lên, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.